Trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo như ChatGPT ngày càng phổ biến, việc giáo dục trẻ em đối mặt với nhiều thách thức mới. Giáo sư Yoshua Bengio, “bố già AI”, và ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, đã chia sẻ những giải pháp hướng tới tương lai giáo dục trong kỷ nguyên số.
Trong buổi tọa đàm tại hội thảo “AI an toàn – Định hình đổi mới có trách nhiệm” do FPT tổ chức, hai chuyên gia đã thảo luận sâu về tác động của AI đối với phương pháp học tập của trẻ em. Giáo sư Bengio nhấn mạnh rằng việc học không chỉ dừng lại ở việc ghi nhớ kiến thức mà quan trọng hơn là hiểu sâu và áp dụng vào thực tiễn. Ông cho biết: “Trẻ em cần được trang bị một nền tảng vững chắc về xã hội, khoa học, triết học để không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch, đồng thời phát triển thành những công dân có trách nhiệm.”
Về việc sử dụng ChatGPT trong học tập, Giáo sư Bengio cho rằng giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy và đánh giá. Thay vì giao những bài tập có thể dễ dàng giải quyết bằng AI, giáo viên nên tập trung vào việc thúc đẩy tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. “Việc hiểu sâu về những gì bạn đang học là cực kỳ quan trọng. Học sinh phải luôn đặt câu hỏi: ‘Tại sao?'” , ông nhấn mạnh.
Ông Trương Gia Bình đồng tình và bổ sung rằng AI có thể trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực nếu được sử dụng đúng cách. Ông đề xuất mô hình hợp tác giữa con người và AI trong giáo dục: “Chúng ta sẽ giúp việc học và giảng dạy có nhiều tương tác hơn. AI sẽ hỏi học sinh, học sinh sẽ hỏi AI. Đây là một phương pháp làm việc mới, giúp xây dựng một Việt Nam mạnh mẽ.”
Cả hai chuyên gia đều cho rằng việc trang bị kiến thức về AI và công nghệ thông tin là yếu tố then chốt giúp thế hệ trẻ nắm bắt cơ hội trong tương lai. Đồng thời, họ cũng khuyến khích việc giáo dục toàn diện, không chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn mà còn bao gồm các kỹ năng mềm và hiểu biết về xã hội.
Trong bối cảnh AI phát triển mạnh mẽ, những giải pháp từ Giáo sư Bengio và ông Trương Gia Bình mở ra hướng đi mới cho giáo dục, giúp trẻ em không chỉ làm bài tập về nhà một cách hiệu quả mà còn chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức của kỷ nguyên số.
Dưới đây là toàn bộ phần câu hỏi và trả lời của Giáo sư Yoshua Bengio, Nhà sáng lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu AI Mila; Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình và Ông Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Trung tâm AI FPT Software, Tập đoàn FPT.
Mr Nguyễn Xuân Phong: Vậy ông nghĩ những dạng bài tập nào sẽ có thể đưa cho các em? Bởi vì học sinh ngày nay biết rằng chúng có thể dùng ChatGPT để giải quyết chúng.
G.S. Yoshua Bengio: Tôi tin rằng trẻ em cần được trang bị một nền tảng vững chắc về thế giới xung quanh: xã hội, khoa học, chính trị, triết học… để không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch, đồng thời phát triển thành những công dân có trách nhiệm và có thể linh hoạt thích nghi với sự thay đổi nghề nghiệp nhờ sự hiểu biết rộng rãi, không chỉ giới hạn trong một lĩnh vực.
Mối nguy hiểm lớn nhất của tự động hóa chính là chúng ta không thể đoán trước được điều gì sẽ bị thay thế. Nếu một người chỉ chuyên môn hóa vào một lĩnh vực hẹp và lĩnh vực đó bị tự động hóa, họ sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu họ có một nền tảng hiểu biết rộng, việc chuyển hướng nghề nghiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Chính vì vậy, ngoài kiến thức chuyên môn, chúng ta cần chú trọng đến một nền giáo dục tổng quát. Cần phải giáo dục các nhà khoa học máy tính và kỹ sư không chỉ về công nghệ mà còn về các môn nhân văn: khoa học xã hội, đạo đức, triết học, và cả luật pháp, để họ hiểu được cách xã hội vận hành. Khi đó, họ mới có thể áp dụng AI và các công nghệ khác một cách có trách nhiệm, nhận thức rõ tác động của những quyết định phát triển và ứng dụng AI trong xã hội.
Mr Nguyễn Xuân Phong: Ý kiến của ông thì như thế nào?
G.S. Yoshua Bengio: Rõ ràng, điều này phụ thuộc vào phương pháp giảng dạy. Ngày càng nhiều giáo viên chọn hình thức thi miệng: không có ChatGPT, học sinh phải tự trả lời, và như vậy, họ sinh cần phải hiểu rõ những gì mình đang nói. Thực ra, việc hiểu sâu về những gì bạn đang học là cực kỳ quan trọng. Đây không chỉ là nền tảng để nghiên cứu khoa học, mà còn là yếu tố then chốt giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Vì vậy, việc học không chỉ đơn giản là ghi nhớ, mà là thực sự hiểu vấn đề để có thể áp dụng kiến thức đó vào các tình huống mới. Và để hiểu rõ, học sinh phải luôn đặt câu hỏi: “Tại sao?”
Mr Trương Gia Bình: Hãy để tôi đưa ra một ví dụ khác về phương pháp dạy và học mới. Đây có vẻ là thời điểm đặc biệt của Việt Nam. Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng hai con số từ năm sau và những năm tiếp theo. Đây là một thời điểm rất đặc biệt, bởi tình hình địa chính trị trên thế giới.
Điều tôi mong muốn dạy cho sinh viên để họ có thể đóng góp vào quá trình này là: tôi sẽ tạo ra những giáo viên AI, nhưng điều đó chưa đủ thú vị. Chúng ta sẽ giúp việc học và giảng dạy có nhiều tương tác hơn, AI sẽ hỏi học sinh, học sinh sẽ hỏi AI. Và sau đó, mọi người sẽ học cách xây dựng một Việt Nam mạnh mẽ (ví dụ). Đây là một phương pháp làm việc mới: sự hợp tác giữa con người và AI.