Một loại chuẩn tinh mang tên blazar vẫn còn là bí ẩn lớn đối với các nhà khoa học vì cơ chế phát sáng khó lý giải của chúng.
Hố đen hút gần như mọi thứ từ môi trường xung quanh của nó, nhưng lại phát ra năng lượng dưới dạng tia gamma. Ảnh: NASA. |
Theo các nhà thiên văn học tại Đại học Boston, Mỹ, vũ trụ không phải là màn đêm vĩnh cửu mà nó tràn ngập ánh sáng từ những thiên thể bí ẩn có tên gọi là blazar. Tuy nhiên, bức xạ mà các blazar này phát ra không phải là ánh sáng nhìn thấy mà là sóng radio và tia gamma vô hình đối với con người.
Blazar là một chuẩn tinh nhỏ phát ra những tia gamma và sóng radio cực mạnh nằm ở trung tâm của một thiên hà hình elip khổng lồ. Khi blazar đầu tiên được phát hiện vào năm 1962, các nhà thiên văn hết sức bối rối. Họ không biết nó là cái gì và chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ điều gì tương tự. Cho tới nay, các nhà vật lý thiên văn đã quan sát hàng nghìn blazar trong vũ trụ, The Epoch Times hôm 22/2 đưa tin.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Boston đang cố gắng tìm hiểu blazar phát sáng như thế nào và chúng lấy năng lượng từ đâu. Giả thuyết dễ chấp nhận nhất là các blazar lấy năng lượng từ một siêu hố đen có khối lượng lớn gấp hàng trăm triệu lần Mặt Trời.
Vấn đề là tại sao năng lượng có thể chuyển từ hố đen tới các blazar trong khi lực hấp dẫn của hố đen mạnh đến nỗi ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát khỏi. Theo các nhà khoa học, hố đen nuốt chửng tất cả những gì ở gần nó. Khi lượng vật chất bị hút vào quá lớn, chúng sẽ ma sát ở giữa hố đen và nóng lên đồng thời phun ngược hạt tích điện, từ trường và các bức xạ khác.
Khi một trong những bức xạ hướng vào Trái Đất, các kính thiên văn thu được chúng dưới dạng một blazar. “Các hố đen hút gần như mọi thứ từ môi trường xung quanh chúng, nhưng bằng cách nào đó, chúng cũng phát xạ ra bên ngoài,” giáo sư Alan Marscher tại Đại học Boston cho biết.
Mặc dù vậy, hiện tượng phát xạ của các blazer vẫn còn nhiều bí ẩn. Các nhà vật lý thiên văn dự đoán mọi tia gamma đều đến từ hố đen ở trung tâm của blazar. Tuy nhiên, trong quan sát gần đây, nhóm nghiên cứu của Marscher phát hiện phần lớn tia gamma phát ra từ một điểm cách hố đen nhiều năm ánh sáng.
Thực tế kỳ lạ này dẫn các nhà khoa học tới một loạt ý tưởng mới. Với sự giúp sức của máy tính để mô phỏng thử nghiệm, họ hy vọng có thể sớm tiến hành quan sát kiểm chứng với các kính viễn vọng hiện đại.
Thanh Tùng