Nhật không rút khỏi dự án khí đốt với Nga Leave a comment


Thủ tướng Nhật tuyên bố sẽ tiếp tục dự án khí đốt Sakhalin-2 chung với Nga, do lo ngại hậu quả kinh tế lâu dài nếu rút khỏi thỏa thuận này.

“Sakhalin-2 là dự án cực kỳ quan trọng về mặt an ninh năng lượng, bởi nó góp phần tạo ra nguồn cung khí đốt hóa lỏng (LNG) giá rẻ, ổn định và lâu dài”, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida ngày 31/3 tuyên bố trong phiên họp quốc hội nước này, khi thông báo sẽ tiếp tục xúc tiến dự án với Nga.

Tuyên bố không rút khỏi dự án Sakhalin-2 được Thủ tướng Kishida đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh tăng cường sức ép trừng phạt với Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine, trong đó có nỗ lực giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga.

Sakhalin-2 là một trong những dự án dầu khí tích hợp, định hướng xuất khẩu lớn nhất thế giới, cũng như dự án LNG ngoài khơi đầu tiên của Nga. Tập đoàn Mitsui của Nhật Bản nắm giữ 12,5% cổ phần trong dự án này, tập đoàn Mitsubishi có 10%. Trong khi đó, tập đoàn Gazprom của Nga nắm 50% cổ phần dự án Sakhalin-2.

Tàu vận chuyển LNG của Nhật Bản neo đậu gần đảo Sakhalin tháng 2/2009. Ảnh: Reuters.

Tàu vận chuyển LNG của Nhật Bản neo đậu gần đảo Sakhalin tháng 2/2009. Ảnh: Reuters.

Thông báo của Thủ tướng Kishida được cho là một thắng lợi của Bộ Thương mại Nhật Bản trong chính sách năng lượng, đồng thời xoa dịu các doanh nghiệp đầu tư của nước này sở hữu cổ phần tại Sakhalin-2 và các dự án khác ở Nga.

Nhật Bản phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, một phần do nhiều lò phản ứng hạt nhân của nước này đã ngừng hoạt động kể từ sự cố hạt nhân tại Fukushima hồi 2011.

Dù khẳng định không rút khỏi dự án Sakhalin-2, Thủ tướng Kishida cam kết sẽ nỗ lực phối hợp với nhóm G7 để giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga.

Trong hơn một thập kỷ, Nhật Bản đã sử dụng khí đốt của Nga nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ ở Trung Đông. Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, Nga cung cấp 3,6% dầu thô và 8,8% LNG tại nước này năm 2021.

Dù chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng sản lượng nhập khẩu LNG tại Nhật, khí đốt của Nga có giá rất thấp so với mặt bằng chung trên thị trường giao ngay. Nhiều công ty điện và khí đốt của Nhật cũng sử dụng LNG từ Nga. LNG chiếm 1/4 tổng năng lượng hỗn hợp tại Nhật và tạo ra 36% điện năng của đất nước.

Theo đại diện cơ quan năng lượng, Nhật Bản sẽ phải chi thêm 3.000 tỷ yen (25 tỷ USD) trong trường hợp nước này buộc phải thay thế LNG của Nga bằng khí đốt trên thị trường giao ngay.

“Ngay cả khi nguồn cung được đảm bảo, giá khí đốt sẽ tăng rất mạnh”, Ken Koyama, giám đốc cấp cao tại Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản, khẳng định. Giới chức Nhật Bản cho biết lo ngại lớn nhất nếu rút khỏi dự án Sakhalin-2 là nước này sẽ mất quyền khai thác khí đốt từ đảo Sakhalin, đe dọa mục tiêu độc lập năng lượng.

Cho đến nay, các nước G7 chỉ đồng ý giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga thay vì ngừng mua năng lượng ngay lập tức. Giới chức Đức ngày 25/3 đã công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 1/3 lượng khí đốt từ Nga, song vẫn cảnh báo hậu quả nặng nề nếu lập tức áp lệnh cấm vận dầu khí với nước này.

Đức Trung (Theo Reuters, Kyodo)


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
Tin nhắn
Zalo
Tin nhắn
Điện thoại