Năng lượng tái tạo được xem là động lực phát triển của Trung Nam, với nhiều dự án năng lượng tái tạo tích hợp hệ thống truyền tải điện.
Thành lập năm 2004 với lĩnh vực cốt lõi là xây dựng, tới nay sau gần hai thập kỷ gây dựng và phát triển, Trungnam Group nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động, phủ sóng khắp các tỉnh thành cả nước với các dự án hạ tầng kỹ thuật, bất động sản, năng lượng…
Trong những năm trở lại đây, lĩnh vực năng lượng tái tạo được xem là động lực phát triển của Trung Nam, thông qua triển khai các dự án năng lượng tái tạo tích hợp hệ thống truyền tải điện.
“Đây là một trong những nỗ lực, tâm huyết của Trungnam Group trong việc đầu tư phát triển các loại hình năng lượng sạch, thân thiện với môi trường”, đại diện tập đoàn này cho biết.
Trungnam Group đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ nâng mức công suất sở hữu lên 3,8GW năng lượng tái tạo và 1,5GW điện khí LNG, duy trì tăng trưởng 20% mỗi năm.
Các dự án năng lượng tái tạo có đặc thù cần sử dụng lượng vốn lớn, bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu. Trung Nam Group dự kiến huy động thêm các nguồn lực khác từ bên ngoài, bao gồm hoạt động vay và phát hành trái phiếu.
Thời điểm dịch Covid-19 từ 2020 -2021, Trungnam Group đã huy động được hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu để phát triển các dự án năng lượng theo chiến lược đề ra.
Nhiều chuyên gia nhận định năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực giàu tiềm năng bậc nhất, khi nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng mạnh trở lại trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19, khả năng thiếu điện có thể xảy ra. Năng lượng tái tạo cũng là hướng đi phù hợp với xu thế toàn cầu. Điều này góp phần gia tăng nguồn điện xanh, thân thiện với môi trường trong hệ thống điện Việt Nam.
Cũng tại thời điểm này, thủy điện được cho là đã hết dư địa khai thác, nhiệt điện cũng sẽ khó mở rộng quy mô khi các tổ chức tài chính quốc tế theo đuổi chính sách tín dụng xanh, hỗ trợ vay vốn với các dự án điện than mới ngày càng khó. Thời điểm này được coi là cơ hội cho ngành năng lượng tái tạo thể hiện được giá trị, mang lại sự bền vững cho từng giai đoạn phát triển.
Năng lực tài chính của Trungnam Group cũng được cải thiện qua từng năm. Năm 2019, tài sản hợp nhất của Trungnam Group đạt ngưỡng 33.728 tỷ đồng, năm 2020 tăng 65% lên mức 55.485 tỷ đồng và đạt 92.568 tỷ đồng vào cuối 2021, tương ứng tỷ lệ mở rộng đến 2,75 sau hai năm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2021, Trungnam Group hiện có tổng tài sản hơn 92.568 tỷ đồng. Đại diện Trung Nam cho biết doanh thu năm 2021 ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với 2019 là 98%.
Nhiều ngân hàng và định chế tài chính như Vietcombank và mới đây là HSBC, đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược thông qua các công tác đánh giá và cung cấp các giải pháp tài chính bền vững cho Trungnam Group, trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai.
Hiện Trungnam Group đang sở hữu 3 nhà máy thủy điện, 7 dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư và đi vào hoạt động trên khắp các tỉnh thành cả nước. Trong đó, tiêu biểu là dự án Điện mặt trờiThuận Nam – Ninh Thuận 450MW lớn nhất Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, đã được khánh thành vào 12/10/2020.
Theo sau là một số dự án quy mô lớn khác, như dự án Điện gió EaNam – Đắk Lắk với công suất lên đến 400 MW, tổng mức đầu tư 16.500 tỷ đồng, dự án Điện mặt trời Thuận Bắc – Ninh Thuận 204MW khởi công từ 7/7/2018, dự án Điện mặt trời Trà Vinh 140MW, khởi công từ 19/1/2019.
Cả 3 dự án điện gió ở EaNam – Đắk Lắk, điện gió số 5 Phước Hữu Ninh Thuận và điện gió ngoài khơi Đông Hải 1 ở Trà Vinh đều vận hành trước giờ G, hạn 31/10/2021, kịp hưởng giá FIT ưu đãi của Chính phủ.
Trungnam Group cũng bắt tay với các đối tác lớn trong lĩnh vực năng lượng, nắm giữ các thiết bị tiên tiến, giải pháp đổi mới công nghệ hiện đại như Enercon hay Siemens Garmesa.
Các dự án của Trungnam Group đề cao các thông số môi trường (giảm độ ồn, bùi, chất thải rắn…). Tập đoàn cũng chú trọng đến các công tác an sinh xã hội, phát triển giáo dục như xây dựng trường học… góp phần cải thiện và nâng tầm đời sống người dân địa phương.
Phong Vân