Châu Âu kêu gọi can thiệp khẩn cấp vào thị trường năng lượng Leave a comment


Các bộ trưởng năng lượng EU muốn lãnh đạo các nước đưa ra biện pháp khẩn cấp để ghìm giá khí đốt và hỗ trợ các công ty năng lượng.

Trong cuộc họp hôm 9/9, tất cả bộ trưởng năng lượng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đều đồng ý việc cần có hành động cấp thiết. Tuy nhiên, họ lại không kêu gọi bắt buộc giảm nhu cầu năng lượng – biện pháp được đánh giá là quan trọng nhất để xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện tại.

Các bộ trưởng cũng không công bố nhiều thông tin. Tuy nhiên, cuộc chiến thực sự sẽ bắt đầu tuần tới, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề xuất các biện pháp cụ thể để các nước thảo luận thông qua.

Tại cuộc họp hôm qua, các bộ trưởng cũng chia rẽ về ý tưởng áp trần giá khí đốt Nga. Moskva trước đó từng tuyên bố không bán khí đốt cho các nước tham gia áp trần.

Một số lo ngại động thái này sẽ đe dọa lượng khí đốt sang châu Âu vốn đang rất ít ỏi. Số khác thì muốn tập trung áp trần giá khí đốt trong nước. Cuối cùng, họ thống nhất sẽ bàn bạc thêm trước khi áp dụng chính sách này. Với việc 27 nước thành viên EU có lợi ích khác nhau trong lĩnh vực năng lượng, quá trình này có thể mất một thời gian dài.

Các bộ trưởng cũng kêu gọi đưa ra đề xuất đánh thuế lợi nhuận bất thường với các công ty kinh doanh nhiên liệu hóa thạch, đồng thời áp trần doanh thu với các hãng điện không dùng khí đốt. Họ muốn dùng số tiền này để hỗ trợ những người tiêu dùng đang gặp khó.

“Các chính sách cụ thể này sẽ hạn chế tác động của giá khí đốt cao trên thị trường điện châu Âu và ảnh hưởng của giá năng lượng cao với người tiêu dùng”, thông báo chung của cuộc họp cho biết. Các chi tiết vẫn cần được thảo luận thêm, trong đó có việc định nghĩa chính xác thế nào là trần giá.

Họ cũng đang lên kế hoạch điều chỉnh cấu trúc thị trường điện châu Âu. Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson cho biết bà hy vọng kế hoạch này “sẽ sẵn sàng vào đầu năm ngoái”.

Một tuần sau khi Moskva đột ngột đóng đường ống khí đốt chính cung cấp cho châu Âu, khu vực này đang ngày càng khó kiềm chế cuộc khủng hoảng năng lượng đe dọa biến thành khủng hoảng tài chính, kinh tế và xã hội. Chính phủ các nước Bắc Âu và Anh đang thực hiện các biện pháp ngăn tác động tài chính. Trong đó, Anh đã lập quỹ hỗ trợ các hãng năng lượng trị giá 40 tỷ bảng (46,3 tỷ USD).

Cuộc họp hôm qua cũng chỉ là bước khởi đầu. Các bộ trưởng đã đề nghị EC đưa ra đề xuất chi tiết. Sau đó, đề xuất phải được các chính phủ thông qua. Một số bộ trưởng cảnh báo khối này sẽ mất nhiều thời gian mới thống nhất được các vấn đề này.

“27 quốc gia có cơ cấu năng lượng hoàn toàn khác nhau, vị trí địa lý và các mối liên quan cũng khác nhau”, Roberto Cingolani – bộ trưởng chuyển dịch sinh thái Italy cho biết trước báo giới, “Vì thế, việc tìm ra giải pháp nhanh chóng, làm hài lòng tất cả mọi người là rất khó”.

Hà Thu (theo Bloomberg)


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
Tin nhắn
Zalo
Tin nhắn
Điện thoại