Châu Âu họp bàn tìm lối thoát cho cú sốc năng lượng Leave a comment


Hôm nay, các bộ trưởng năng lượng EU sẽ nhóm họp tìm giải pháp khi xung đột Ukraine khiến giá điện và nhiên liệu tăng vọt.

Trong cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng các nước châu Âu sẽ thảo luận các đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC). Nhiều nước cũng được kỳ vọng đưa ra đề xuất riêng. Mục tiêu chính là tìm ra cách hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp đang chật vật trả hóa đơn nhiên liệu và vận hành nhà máy.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã khiến giá khí đốt liên tiếp lập kỷ lục, đẩy EU đến bờ vực suy thoái. Giới phân tích đang quan sát liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có cắt hoàn toàn nguồn cung năng lượng cho châu Âu hay không.

Trước chiến sự, 40% khí đốt nhập khẩu của EU đến từ Nga. Trong đó, phần lớn được cấp cho Đức. Cường quốc kinh tế của khối này đang ráo riết tìm phương án sưởi ấm cho các hộ gia đình và tìm nhiên liệu để vận hành các nhà máy.

AFP cho biết các lãnh đạo châu Âu sẽ đề xuất một cơ chế cho phép các công ty điện không dùng khí đốt, như điện hạt nhân, năng lượng mặt trời hoặc năng lượng tái tạo chia sẻ doanh thu dư thừa từ việc giá điện tăng cao.

Bên cạnh đó, các hãng nhiên liệu hóa thạch có thể bị đánh thuế lên số lợi nhuận lớn từ việc giá nhiên liệu tăng. Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler cũng cho biết trước phiên họp rằng họ cần thảo luận về thuế lên các công ty năng lượng kiếm lợi lớn trong xung đột.

Một đề xuất khác cũng nhận được nhiều sự ủng hộ là giải cứu các hãng điện đang gặp khó. Việc này sẽ được thực hiện bằng cách nới lỏng các quy định của EU về hỗ trợ các doanh nghiệp đột ngột thiếu tiền mặt do lo ngại khủng hoảng lan rộng.

EC cũng sẽ yêu cầu các nước thành viên đồng ý với cắt giảm nhu cầu năng lượng. Một trong các biện pháp được cân nhắc là bắt buộc giảm sử dụng.

Dù vậy, các nhà ngoại giao cảnh báo ý tưởng áp trần giá khí đốt Nga đang chững lại, do nhiều người lo ngại việc Nga trả đũa sẽ càng đẩy kinh tế châu Âu vào hỗn loạn. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hôm 7/9 thúc giục các nước thành viên đồng ý áp trần giá khí đốt Nga.

Đây là biện pháp Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo “ngớ ngẩn”. Đến nay, ý tưởng này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên.

Hà Thu (theo AFP)


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
Tin nhắn
Zalo
Tin nhắn
Điện thoại