Chật vật làm ăn ở nơi lạm phát cao nhất châu Âu Leave a comment


Tại Estonia, nhiều doanh nghiệp phải tăng lương ba lần một năm, trong khi số khác tìm mọi cách giảm chi phí năng lượng.

Chỉ trong hai năm kể từ khi hãng bất động sản AS Kapitel lên kế hoạch xây một khu phức hợp văn phòng mới hào nhoáng, giá của tất cả mọi thứ cần thiết đều tăng lên. Thép ngày càng đắt đỏ do xung đột Nga – Ukraine làm gián đoạn các chuyến hàng từ nhà máy ở cả hai nước. Kính ngoại thất lên giá do khí đốt dùng để sản xuất chúng tăng giá. Tiền lương cũng tăng vọt khi nền kinh tế phát triển quá nóng kết hợp với tình trạng thiếu công nhân.

Tổng cộng, lạm phát khiến chi phí dự toán cho khu phức hợp tăng thêm khoảng 30 triệu USD. Trong bối cảnh châu Âu có thể rơi vào suy thoái sau quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tháng trước, ban lãnh đạo Kapitel lo ngại lợi nhuận sẽ bị ăn mòn.

“Tất cả các nguyên liệu thô đều tăng giá và không chỉ do chiến sự. Lạm phát bắt đầu leo thang từ mùa thu năm ngoái. Những điều này rất đáng sợ với chúng tôi”, Rait Pallo – Giám đốc Tài chính của Kapitel cho biết.

Rait Pallo, Giám đốc tài chính của Kapitel trên một công trường xây dưng vào ngày 8/8. Ảnh: WP

Rait Pallo – Giám đốc tài chính của Kapitel trên một công trường xây dựng ngày 8/8. Ảnh: WP

Estonia hiện có lạm phát cao nhất khu vực đồng euro, với 22% – gấp đôi so với Mỹ. Quốc gia vùng Baltic này và các nước láng giềng như Latvia và Lithuania, là những ví dụ điển hình về áp lực giá cả đang bao trùm. Đây là thách thức chưa từng có trong 40 năm qua với các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp và người tiêu dùng tại đây.

Một số công ty tại Estonia phải tăng lương nhiều lần trong năm. Số khác thì tổ chức lại hoạt động để sử dụng ít năng lượng hơn. Theo Ngân hàng Trung ương Estonia, chi phí năng lượng đóng góp khoảng một nửa lạm phát của nước này, trong khi giá lương thực chiếm một phần tư.

Vì thu nhập của người Estonia thấp hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu, thực phẩm và năng lượng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tiêu dùng so với các nước như Đức hoặc Pháp. Điều này giúp giải thích lý do lạm phát ở đây cao hơn nhiều.

“Một số có giá cao gấp hai hoặc năm lần. Đặc biệt là dịch vụ thiết yếu và xăng dầu”, Vladislav Vassiljev – một nhà văn khoa học viễn tưởng, cho biết. Ví dụ, tiền đổ đầy chiếc Toyota Camry tốn khoảng 130 USD, tăng từ khoảng 86 USD một năm trước.

Nhưng ngay cả khi loại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm, giá cả vẫn đang tăng nhanh do nhu cầu tiêu dùng cao. Sau nhiều năm tăng lương ổn định, người Estonia có khoản tiết kiệm dồi dào. Năm ngoái, việc chính phủ cho phép rút tiền từ chương trình tiết kiệm hưu trí bắt buộc càng kích thích tiêu dùng.

Kristo Aab, Nhà kinh tế của LHV Bank cho biết người Estonia đã rút khoảng một tỷ euro từ chương trình này. Nhu cầu tăng vào đúng thời điểm nguồn cung một số hàng hóa bị hạn chế do vấn đề vận chuyển hoặc thiếu linh kiện – đã khiến giá tăng cao hơn. Giá nhà và tiền thuê nhà cũng tăng mạnh, khiến nhiều công nhân đòi được trả lương cao hơn.

Tại Cybernetica – Công ty phát triển phần mềm cho các khách hàng chính phủ và doanh nghiệp ở 35 quốc gia, Giám đốc điều hành Oliver Vaartnou đang nỗ lực giành nhân tài.

“Tôi từng nâng lương mỗi năm một lần. Bây giờ, tôi làm điều đó hai lần một năm, có thể là ba lần. Tôi cần giữ những người này. Nếu không có kỹ sư phần mềm, tôi sẽ không có bất cứ thứ gì. Tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro không có lãi trong năm nay”, Vaartnou nói.

Estonia gia nhập eurozone năm 2011. Các quốc gia sử dụng đồng euro có chung một ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, mỗi quốc gia vẫn giữ quyền quyết định về thuế và chi tiêu.

Ở Estonia, các yếu tố trong nước – bao gồm thâm hụt ngân sách do bơm quá nhiều tiền vào nền kinh tế – đóng một vai trò lớn hơn nhiều so với lãi suất trong việc khiến giá cả tăng, theo Rasmus Kattai, Trưởng bộ phận dự báo và chính sách kinh tế của Ngân hàng trung ương của Estonia (Eesti Pank).

Ông cho rằng kể cả việc tăng lãi suất cũng không tác động nhiều đến giá năng lượng. Từ trước chiến sự, chính phủ đã ngắt kết nối với lưới điện của Nga và chuyển sang giải pháp thay thế từ châu Âu. Động thái này hứa hẹn đảm bảo an toàn hơn về nguồn cung, nhưng cũng góp phần khiến giá điện tăng cao và biến động.

Ví dụ, ngày 26/7, điện ở Phần Lan – cách Estonia chỉ 80km – có giá khoảng 7 USD cho mỗi MWh, trong khi người Estonia phải trả hơn 215 USD, theo Nord Pool. Nước này sản xuất điện bằng dầu đá phiến, gió và khí đốt tự nhiên, nhưng đang gặp vấn đề với cả ba.

Sử dụng nhiều đá phiến hơn đòi hỏi phải trả tiền cho hạn ngạch khí thải carbon theo các quy tắc môi trường của châu Âu. Điều này làm tăng chi phí. Theo Hando Sutter – CEO công ty năng lượng Eesti Energia, khu vực này đang thiếu một phần ba nguồn khí đốt tự nhiên.

Estonia sử dụng ít khí đốt hơn nhiều so với các quốc gia như Đức, nhưng vẫn phải đối mặt với chi phí cao hơn sau chiến sự. Hồi tháng 4, Estonia tuyên bố sẽ tự độc lập khỏi khí đốt của Nga vào cuối năm nay. Họ hợp tác với Phần Lan, xây dựng một giàn nổi ngoài khơi để nhập khẩu khí hóa lỏng. Tuy nhiên, ngay cả khi cơ sở này đi vào hoạt động tháng 11, họ vẫn phải chờ thêm hai tháng nữa mới có hàng về.

Hồi tháng 5, Sutter lập lại kế hoạch chiến lược tăng sản xuất điện gió và mặt trời. Đến năm 2026, công ty dự kiến sản xuất 5 terawatt giờ điện, gấp hơn ba lần so với năm 2021. Vấn đề là chi phí cho dự án đang tăng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đang phải vật lộn để đối phó với lạm phát. Indrek Laul sử dụng khí đốt đường ống để sưởi ấm nhà máy Piano Estonia. Nhưng tiền khí đốt tăng vọt đã khiến ông chuyển sang dùng khí hóa lỏng (LPG).

Laul có kế hoạch phá bỏ hai tòa nhà nhỏ để nhường chỗ cho việc lắp đặt các bồn chứa LPG dưới lòng đất. Anh cũng đang thay thế gần 40 bộ tản nhiệt bằng các bộ được điều khiển riêng và hiệu quả hơn. Thay đổi này sẽ làm giảm hơn một nửa chi phí sưởi ấm. “Các đại lý yêu cầu giao thêm đàn piano. Chúng tôi đang gặp khủng hoảng năng lượng, nhưng nhu cầu vẫn tăng”, anh nói.

Một trạm xăng ở Tallinn, Estonia. Ảnh: WP

Một trạm xăng ở Tallinn, Estonia. Ảnh: WP

Ngân hàng trung ương Estonia cho biết lạm phát có thể sẽ vẫn ở mức cao trong năm nay, trước khi giảm xuống 4,3% năm 2023 khi cú sốc giá năng lượng giảm dần. Tuy nhiên, một số người tỏ ra hoài nghi.

“Những yếu tố đầu vào cơ bản cho mọi thứ trong nền kinh tế ngày càng đắt đỏ”, Raivo Vare – chuyên gia tại Rvve Group nhận định. Theo ông, tình hình này chưa thể kết thúc.

Bất chấp giá cả leo thang, cuộc khảo sát của Eurobarometer cho thấy 90% người Estonia ủng hộ đồng euro. Nguyên nhân có thể do yếu tố lịch sử. Khi nước này xây dựng nền kinh tế thị trường vào đầu những năm 1990, lạm phát từng lên 90%. “Chúng tôi đã quen với khó khăn”, Eesti Energia nói.

Phiên An (theo Washington Post)


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
Tin nhắn
Zalo
Tin nhắn
Điện thoại