Người thường ngưng thở khi ngủ nên ăn nhiều trái cây và rau củ, nằm nghiêng, bỏ thuốc lá và rượu bia, tập thể dục giúp tăng năng lượng.
Theo Tổ chức Giấc ngủ Mỹ, người mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường thở hổn hển, nghẹt thở khi ngủ. Khi thức dậy, cơ thể thường mệt mỏi, thiếu năng lượng. Người bệnh cũng dễ bị đau đầu, khó tập trung, gặp vấn đề về trí nhớ và tâm trạng buổi sáng nếu ngưng thở khi ngủ.
Để giảm tình trạng này, người bệnh có thể duy trì những thói quen dưới đây.
Nằm nghiêng
Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ nên nằm ngủ nghiêng. Tư thế này giúp đường thở thông thoáng hơn. Để ngăn nằm ngửa vào ban đêm, nên kê một chiếc gối ôm vào lưng hoặc cố định một quả bóng nhỏ, gối trên lưng.
Điều trị mất ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến mất ngủ thường xuyên. Nhằm cải thiện tình trạng này, nên hạn chế cafeine, tránh sử dụng thiết bị điện tử khi đi ngủ. Người bệnh cần khắc phục tình trạng ảnh hưởng giấc ngủ như rối loạn cử động chân, lo lắng, trầm cảm để có giấc ngủ ngon hơn. Tránh dùng thuốc an thần vì chúng làm tăng thêm số lần ngưng thở vào ban đêm.
Ăn nhiều trái cây, rau củ
Cách để tăng cường năng lượng, chống lại mệt mỏi do ngưng thở khi ngủ là ăn thực phẩm lành mạnh. Nên chọn trái cây và rau củ tươi, cắt bỏ món ăn làm hao tốn năng lượng như kẹo, nước ngọt và các đồ uống nhiều đường khác. Đồ ngọt thường được yêu thích, giảm thèm ăn tạm thời nhưng khiến người dùng suy giảm năng lượng sau đó.
Uống đủ nước
Người ngưng thở khi ngủ có nguy cơ mất nước vào ban đêm do há miệng thở, chất lỏng thoát ra nhiều hơn. Uống nước đều đặn trong suốt cả ngày giúp cơ thể giữ đủ nước. Không nên uống một lượng lớn nước trước khi lên giường vì đi vệ sinh lúc nửa đêm làm gián đoạn giấc ngủ. Theo nghiên cứu năm 2007-2012 của Trường Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ), trên hơn 26.000 người, ngủ 6 tiếng vào ban đêm có nguy cơ mất nước cao hơn so với ngủ 8 tiếng.
Bỏ thuốc lá
Theo nghiên cứu năm 2018 của Trường Đại học Porto (Bồ Đào Nha), người hút thuốc có xu hướng ngủ ít, khó chìm vào giấc ngủ và thường có chất lượng giấc ngủ kém hơn. Điều này do nicotine làm gián đoạn chu kỳ ngủ – thức. Khói thuốc (kể cả thuốc lá điện tử) còn gây kích ứng đường hô hấp trên, khiến chứng ngáy và ngưng thở khi ngủ nặng hơn. Bỏ hút thuốc có thể tăng năng lượng cho người mắc ngưng thở khi ngủ và ngăn tổn thương phổi.
Tránh uống rượu
Uống rượu bia làm trầm trọng thêm tình trạng ngưng thở. Rượu ảnh hưởng đến trương lực cơ ở đường hô hấp trên, khiến vòm miệng mềm đi, có nhiều khả năng bị đóng lại và xẹp xuống gây khó thở.
Giảm cân
Chất béo thừa có thể cản trở đường thở khi ngủ. Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Eastern Finland (Phần Lan) đã theo dõi 57 người béo phì mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn trong 5 năm (2008-2013). Kết quả cho thấy người giảm cân và giữ cân nặng khỏe mạnh có thể ngăn ngừa bệnh tiến triển, loại bỏ chứng ngưng thở khi ngủ.
Tập thể dục
Tập thể dục ban ngày giúp cơ thể thư giãn vào ban đêm, giảm mệt mỏi và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Nam 2016, Bệnh viện IMIP – Recife (Brazil) đã nghiên cứu vai trò của tập thể dục với chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn trên 250 người bệnh. Họ kết luận rằng kết hợp thể dục nhịp điệu và rèn luyện thể lực làm săn chắc các cơ ở đường hô hấp trên, ngăn ngừa tình trạng xẹp xuống. Nó còn làm giảm tích tụ chất lỏng ở cổ cản trở khả năng thở và giảm viêm.
Kiểm tra sức khỏe
Người bị ngưng thở khi ngủ đôi khi do mắc bệnh tiểu đường, suy giáp hoặc hội chứng chân không yên, chứng ngủ rũ. Người bệnh nên kiểm tra sức khỏe để loại trừ những bệnh này và có biện pháp khắc phục.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |