Giao thông, năng lượng, giáo dục và sản xuất là những trụ cột cần quan tâm đầu tư hơn nữa để phát triển kinh tế.
Chúng ta đang đón chào một năm mới trong niềm hân hoan, hạnh phúc của mỗi gia đình và trong niềm tin, hy vọng về sự phát triển kinh tế vững mạnh của đất nước.
Tết có lẽ là một sự kiện gia đình, lịch sử, và văn hóa quan trọng và linh thiêng nhất đối với người Việt Nam ta.
Với cá nhân tôi, lại một năm nữa, con không thể về đón xuân cùng mẹ và anh chị em trong gia đình. Lại một mùa xuân nữa tôi lỡ hẹn với bạn bè và người thân. Tuy xa quê, nhưng như hàng triệu người Việt khác ở mọi nơi trên thế giới, lòng tôi luôn hướng về tổ quốc, mong được đóng góp phần nào những kiến thức khiêm tốn của mình trong công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.
Trong bài viết ngắn gọn này và nhân dịp năm mới, tôi xin được góp một số ý kiến để các nhà hoạch định chính sách kinh tế và bạn đọc gần xa cùng tham khảo và trao đổi.
Hiểu rằng, một chính sách kinh tế toàn diện cần có thời gian, sự tham gia của tất cả các bộ ngành và của cả xã hội, nhưng nếu chúng ta không bắt đầu nhìn nhận từ một vài lĩnh vực cơ bản thì sẽ không có một chính sách toàn diện được.
Chúng ta đều đã biết, một chính sách kinh tế dù ở phạm vi vĩ mô hay vi mô, dù nhỏ hay lớn, dù dài hạn hay ngắn hạn, đều sẽ có được sự ủng hộ của một nhóm chuyên gia này, nhưng lại vấp phải sự bất đồng quan điểm từ một nhóm chuyên gia khác vì kinh tế học có những trường phái và học thuyết khác nhau. Vì vậy, bài viết này chắc chắn sẽ nhận được nhiều câu hỏi và phản biện từ các chuyên gia, từ bạn đọc, và tôi luôn luôn lắng nghe để học hỏi.
Tại sao trên thế giới lại có nước giàu, nước nghèo? Câu trả lời thì rất dài nhưng về cơ bản thì câu trả lời là do vị trí địa lý, con người, và chính sách. Đương nhiên, còn nhiều yếu tố liên quan khác, nhưng không mang tính quyết định, cấu thành một nền kinh tế giàu mạnh cho một đất nước.
Nhưng thôi, trước hết ta nên nói về nền kinh tế nước ta và sẽ chỉ nhìn ra thế giới để học hỏi cái hay cái tốt của họ. Theo tôi, chúng ta nên:
– Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng và giao thông để hàng hóa lưu thông thuận tiện.
– Tìm cách giải quyết bài toán năng lượng.
– Tập trung gia công thiết bị cho các công ty công nghệ trên thế giới, xuất khẩu hàng hóa nông sản, cũng như xuất khẩu tại chỗ (tức là du lịch).
– Thay đổi nền giáo dục để phát triển con người.
Đến đây, một số bạn đọc sẽ nhận ra rằng, ồ những gợi ý này đã có từ lâu rồi mà sao tác giả không hề biết hoặc còn nhắc lại làm gì. Đúng rồi, một số gợi ý của tôi không phải là mới, nhưng phải chăng ý tưởng về cách làm và chi tiết mới là điều quan trọng và thực tế. Tôi là một người thực tế và muốn thấy kết quả hơn là lời nói.
Về cơ sở hạ tầng và giao thông, chúng ta nên xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt càng sớm càng tốt, và xây dựng càng dài càng tốt chứ không chỉ dừng lại ở Hà Nội – Sài Gòn.
Tuyến đường sắt cao tốc xuyên suốt đất nước sẽ chuyên chở hành khách để giảm áp lực cho đường bộ, vốn dĩ là nỗi kinh hoàng của toàn bộ người tham gia giao thông. Nó cũng sẽ là phương tiện chuyên chở chính cho hầu hết các sản phẩm xuất khẩu từ các nhà máy trên cả nước đến các cảng biển dọc duyên hải Việt Nam. Đồng thời ưu tiên xây dựng hệ thống giao thông nối ga tàu đến các khu công nghiệp và các điểm du lịch trọng điểm.
Nhân tiện nhắc đến các khu công nghiệp, theo tôi, khi phê duyệt thành lập các khu công nghiệp, nên bắt buộc các tập đoàn phải xây nhà trẻ, trường học, công viên, và bệnh viện ngay trong khu công nghiệp để công nhân không phải đưa trẻ đi xa. Điều này sẽ làm giảm tắc đường, giãn dân cư đông đúc, giảm chi phí đi lại, và giảm rủi ro cho công nhân.
Về sản xuất và xuất khẩu, chúng ta sẽ cạnh tranh sòng phẳng với một số nước đã và đang dồn trọng tâm vào xuất khẩu hàng hóa ra tất cả các nước trên thế giới. Có bốn yếu tố chính để phát triển sản xuất là: tài nguyên, nhân công, vốn, và tinh thần doanh nghiệp.
Nước ta có tài nguyên và nên tận dụng một cách bền vững. Nhân công là thế mạnh số một của Việt Nam với dân số hơn 100 triệu người. Vốn là yếu tố chưa được nhìn nhận một cách sâu rộng ở Việt Nam và điều này cũng là vấn đề chung của tất cả các nước đang và chưa phát triển.
Nên chăng các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, các ngân hàng cần thiết lập các chương trình cho vay ưu đãi đối với những người mở doanh nghiệp lần đầu để họ có vốn kinh doanh? Điều này giúp tạo việc làm, giảm tệ nạn xã hội, và tạo thêm nguồn thuế cho nhà nước. Cuối cùng, tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship) là nguồn cảm hứng để những người có chí hướng thành lập doanh nghiệp với khao khát được sản xuất kinh doanh.
Tôi nhớ hồi còn đi học ở Việt Nam, không một giáo viên nào khuyên chúng tôi sau này nên thành lập doanh nghiệp hoặc hoạt động đầu tư (hy vọng bây giờ đã khác). Thay vào đó, họ khuyên chúng tôi cứ đi học càng nhiều càng tốt rồi đi làm nhà nước cho ổn định và sau này về hưu sẽ hưởng lương.
Khi từ Thanh Hóa ra Hà Nội, tôi cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Tôi cố gắng vừa làm vừa học để có tấm bằng để được đi làm công chức, nhưng cuối cùng thì mơ ước không thành. Xin các bạn đừng hiểu nhầm ý tôi, làm công chức là một nghề tốt, và nói cho cùng thì nhà nước cũng cần có người làm.
Ý tôi là nên truyền cảm hứng cho thế trẻ rằng còn có nhiều cơ hội ngoài kia và hãy dấn thân vào thử thách. Vậy mới thấy việc đào tạo và định hướng cho con người là vô cùng quan trọng và mang tính hậu quả cao. Không phải vì tôi là giáo sư mà làm quan trọng hóa vấn đề giáo dục, thực sự, vấn đề giáo dục đào tạo và nhân sự là trọng tâm của mọi nền kinh tế.
Về giáo dục, chúng ta có nên cải cách một cách toàn diện để chuẩn bị cho mỗi công dân một hành trang kiến thức và kỹ năng phù hợp và thực tế cho phát triển kinh tế ngày nay? Trước hết giáo dục phải đi đôi với thực hành. Học sinh phải hoạt động ngoài khóa và giảm bớt việc học thêm, luyện thi để đạt thành tích. Học sinh, sinh viên phải làm quen với môi trường thực tế, không là con mọt sách, phải học kỹ năng song song với kiến thức, và biết tận dụng chi phí cơ hội một cách triệt để.
Các trường đại học cần tuyển thêm giáo sư có bằng cấp, trình độ nhưng đã từng làm trong các doanh nghiệp. Cơ quan chức năng, các tổ chức giáo dục nên trả lương cao cho giáo viên để họ toàn tâm toàn ý giảng dạy mà không phải lo nhiều đến cơm áo gạo tiền hàng ngày và để tránh tiêu cực. Bộ giáo dục nên mở mới hoặc nâng cấp trường dạy nghề và tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Nói là như vậy, nhưng có một câu hỏi đầu tiên đặt ra là tiền đâu để phát triển giáo dục, tiền đâu để cho những doanh nghiệp trẻ vay, và tiền đâu để xây dựng cơ sở hạ tầng? Ý tưởng của tôi là tiền sẽ được trích ra từ nguồn thu thuế bằng việc đánh thuế cao lợi nhuận từ các khoản đầu tư và đặc biệt là đánh thuế cao tất cả bất động sản thứ hai trở lên. Thực ra đây không phải là ý tưởng mới vì ở các nước phát triển nơi có chế tài thuế chặt chẽ đã làm rồi.
Bên cạnh đó Việt Nam vẫn có thể tiếp tục cách làm như bấy lâu nay là đi vay của các tổ chức quốc tế để phát triển kinh tế. Phát hành trái phiếu chính phủ cũng là một cách khác để huy động vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng, cao tốc, sân bay, và cảng biển.
Điều quan trọng là phải giải ngân và hỗ trợ một cách hiệu quả. Trong bài viết tới tôi sẽ đưa ra một vài ý tưởng để đẩy mạnh ngành du lịch, một ngành xuất khẩu tại chỗ nhưng tạo ra đáng kể việc làm và dịch vụ.
Chúc mọi nhà một năm mới an khang và thịnh vượng. Chúc nước ta phát triển thật bền vững.
Vincent Lê
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.