Di sản kinh tế của nhiệm kỳ Tổng thống Biden Leave a comment


Nhiều chính sách chưa rõ hiệu quả nhưng chuyên gia thừa nhận Tổng thống Biden để lại “di sản” với chương trình nghị sự kinh tế tạo dấu ấn, quy mô lớn và hành động nhanh.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Joe Biden đã khởi động quá trình chuyển đổi năng lượng, tìm cách đưa sản xuất công nghệ quay về Mỹ, phân phối tài sản đến các thành phố kém phát triển và tái xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo Reuters, có thể sẽ mất nhiều năm nữa để xác định liệu những chính sách này hiệu quả đến đâu, thông qua mức độ tăng năng suất lao động, sức khỏe chuỗi cung ứng và tác động đến việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, khi Biden tuyên bố dừng tranh cử, nhiều người ủng hộ lẫn đối thủ ít nhiều thừa nhận tham vọng của ông trong việc trở thành một tổng thống có tầm ảnh hưởng kinh tế sâu rộng, sau khủng hoảng tài chính 2007-2009.

Mark Muro, chuyên gia Chương trình chính sách đô thị của Viện Brookings (Washington DC), đánh giá chương trình nghị sự kinh tế của Biden là “lớn và kịch tính”. “Biden đã phá vỡ hơn một thập kỷ bế tắc, hành động dè dặt và hoài nghi của chính phủ để tiến hành một thử nghiệm lớn với các khoản đầu tư vào công nghệ, năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng”, ông nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Raleigh, bang Bắc Carolina ngày 26/3. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Raleigh, bang Bắc Carolina ngày 26/3. Ảnh: Reuters

Biden và Trump có điểm chung là chấp nhận tăng thâm thụt để chi tiêu, nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế trên mức trung bình. Trump dựa vào đường lối điều hành kinh tế kinh điển của đảng Cộng hòa là giảm thuế mà không bớt chi tiêu, trong khi Biden áp dụng cách tiếp cận mới hơn phong cách quen thuộc của đảng Dân chủ.

Với vai trò phó tổng thống dưới thời Obama, ông Biden có cơ hội quan sát các nỗ lực của vị tổng thống đảng Dân chủ này trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Chương trình nghị sự đó từng bị coi là yếu ớt, khiến quá trình phục hồi của Mỹ diễn ra chậm chạp và để lại nhiều tổn thất. Do vậy, Biden rút ra bài học phải phản ứng nhanh chóng và quy mô lớn khi có khủng hoảng. Ông áp dụng ngay khi bước vào Nhà Trắng – thời điểm Covid-19 đang diễn ra.

Kế hoạch giải cứu Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD được thông qua ngày 20/1/2021, sau chưa đầy hai tháng ông nhậm chức. Gói này mở rộng nhiều khoản kích thích, trợ cấp thất nghiệp và các thanh toán khác mà Trump đã đưa ra khi bắt đầu đại dịch. Không phủ nhận thành quả phục hồi sau Covid-19 có sự kế thừa từ các chính sách thời Trump, nhưng với cách tiếp nối nhanh và “bạo tay” của Biden, tỷ lệ thất nghiệp đã trở lại mức 4% trong 8 tháng sau suy thoái. Trong khi, sau khủng hoảng tài chính 2007-2009, phải mất hơn 7 năm để đạt được mức đó.

Tổng cộng, trong hai năm đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Biden đã thúc đẩy 4 đạo luật kinh tế lớn để quốc hội thông qua. Một trong số đó là dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2021 “rất hợp lý”, theo Michael Strain – Giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI).

Các dự luật tiếp theo gồm kế hoạch chi tiêu để tăng sản xuất chip bán dẫn và đạo luật Giảm lạm phát (IRA). IRA là sáng kiến gây tranh cãi hàng đầu vì gồm các ưu đãi cho sản xuất năng lượng xanh và xe điện, trong khi mục đích và tên gọi của nó là giải quyết vấn đề giá cả tăng cao.

Đánh giá chung về chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Mỹ, những điểm thường bị chỉ trích như việc chi tiêu lớn khiến nợ công và lạm phát trầm trọng hơn. Các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư sản xuất, cứng rắn trong bảo hộ thương mại gây hoài nghi về toàn cầu hóa.

Michael Strain của AEI coi chi tiêu của Biden là “liều lĩnh”, với nợ công bằng 6% sản lượng kinh tế quốc gia – vốn là lỗ hổng thường thấy trong thời kỳ suy thoái. Ông cũng không tán thành việc xóa nợ sinh viên, mở rộng phạm vi hỗ trợ cho các gia đình trung lưu. Tuy nhiên, ông thừa nhận “di sản” mà Biden có thể để lại một chương trình nghị sự kinh tế có dấu ấn lớn, tương tự các tổng thống như Franklin Delano Roosevelt với New Deal vào những năm 1930, hay Lyndon Johnson với Great Society hồi thập niên 60.

Mark Zandi, Kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics đánh giá Mỹ đã vượt qua đại dịch với ít thiệt hại kinh tế hơn lo ngại. Và nếu cái giá của điều đó là lạm phát thì vẫn hơn các lựa chọn khác, vốn có thể khiến thất nghiệp tràn lan và sản lượng giảm sút.

Thực tế, tỷ lệ thất nghiệp trong nhiệm kỳ Biden duy trì dưới 4% trong hơn hai năm, lâu nhất kể từ những năm 1960. Các nghề có lương thấp được hưởng mức tăng mạnh nhất, nhờ vậy nhiều người đã kịp xoay xở với lạm phát.

Một số chính sách kinh tế thời Biden có thể bị đảo ngược nếu Trump thắng cuộc bầu cử ngày 5/11. Nhưng nhiều điều mà ông khởi xướng có khả năng sẽ tồn tại. Ví dụ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất chip phần lớn đã được triển khai. Nó không có quy mô to lớn và dẫn đến thay đổi mang tính hệ thống như thời Roosevelt, nhưng vẫn rất quan trọng, theo Mark Zandi.

“Tôi coi nó là sự mở rộng quy mô lớn và tạo ra khác biệt nhưng không phải là sự biến đổi hay thay đổi sân chơi trong bối cảnh chính sách kinh tế vĩ mô. Chúng ta vẫn đang trên cùng một sân chơi. Ông ấy (Biden) chỉ chơi với những cầu thủ lớn hơn và nhiều sức mạnh hơn”, Mark Zandi bình luận.

Phiên An (theo Reuters)


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
Tin nhắn
Zalo
Tin nhắn
Điện thoại