Cách tính chi phí thiết kế hệ thống điện năng lượng mặt trời, thiết kế hệ thống năng lượng mặt trời như thế nào? Chi phí ra sao?.
Xin chào các bạn, trong bài viết này Phụ Kiện Mặt Trời sẽ hướng dẫn chi tiết cách thiết kế và tính toán chi phí cho một hệ thống năng lượng mặt trời một cách đơn giản và dễ hiểu nhất, ai cũng có thể tự tính tại nhà được, sau khi tính toán, bạn có thể dựa vào kết quả để đưa ra quyết định chọn hệ thống như thế nào cho phù hợp với nhu cầu sử dụng nhằm tránh lãng phí tiền đầu tư.
Bước 1: Đầu tiền khi muốn lắp đặt một hệ thống năng lượng mặt trời chúng ta cần phải chọn ra những thiết bị mà mình muốn sử dụng điện năng nguồn năng lượng mặt trời như: bóng đèn, máy quạt, máy tính, tủ lạnh, tivi,...
Trong bài viết này Phụ Kiện Mặt Trời sẽ cùng các bạn thiết kệ một hệ thống năng lượng mặt trời cho một bóng đèn neon 0.6 mét với công suất là 18W.
Bước 2: Sau khi chọn được thiết bị mà chúng ta muốn sử dụng thì đến bước thứ 2 là tính công suất cho thiết bị đó.
Bây giờ hãy cộng công suất (số watt) của tất cả các thiết bị sẽ sử dụng nguồn điện năng từ hệ thống năng lượng mặt trời lại.
Ký hiệu: CS
Công thức: CS = Công suất thiết bị 1 + Công suất thiết bị 2 + ...
Ở đây chúng ta đang muốn sử dụng một bóng đèn neon loại 0.6 mét và công suất là 18W nên CS sẽ là 18W
Bước 3: Chúng ta sẽ tính thời gian mà mà thiết bị sử dụng trong một ngày là bao lâu.
Ký hiệu: TG là thời gian thiết bị sẽ dùng trong 1 ngày
Thường bóng đèn chúng ta sẽ sử dụng từ 18 giờ đến 22 giờ nên TG sẽ là 4 giờ
Bước 4: Tính tổng công suất cần cấp cho thiết bị trong một ngày là bao nhiêu.
Ký hiệu: CST
Công thức: CST = CS x TG
Vậy tổng công suất phải cấp cho bóng đèn neon trong 4 giờ là: CST = CS x TG = 18x4 = 72W
Bước 5: Dựa vào tổng công suất cần cấp cho thiết bị thì bây giờ chúng ta sẽ chọn một loại ACQUY phù hợp.
Chúng ta có thẻ chọn ACQUY 12V hoặc ACQUY 24V. Tuy nhiên trên thị trường thì loại ACQUY 12V được thông dụng hơn loại ACQUY 24V cho nên trong bài viết này chúng ta sẽ chọn mẫu ACQUY 12V
Bước 6: Tính số AMPE giờ (Ah) lý thuyết cho ACQUY.
Số AMPE giờ sẽ bằng tổng công suất chia cho 12V
Ký hiệu: AhLT
Công thức: AhLT = CST : 12
Phía trên chúng ta tính được tổng công suất là 72W nên AhLT: 72 : 12 = 6 (Ah)
Bước 7: Tính số AMPE giờ thực tế cho ACQUY.
Ở bước 6 chúng ta mới chỉ tính toán số Ah trong trường hợp lý tưởng tức là khi ta dùng hết 100% công suất của ACQUY. Tuy nhiên trên thực tế chỉ đạt được từ 70% đến 80% nên sau khi tính ra được chúng ta phải nhân với 1 hệ số. Hệ số này sẽ từ 1.5 cho đến 2. Hệ số này sẽ do tùy mổi người chọn, khi chọn hệ số thấp nó sẽ giảm giá thành còn chọn hệ số số cao thì nó sẽ tăng khả năng dự phòng (Ví dụ: sử dụng có thể lên đến 4 giờ 30 phút hoặc 5 giờ). Ở đây chúng ta sẽ tạm chọn hệ số ở khoảng giữa là 1.7.
Ký hiệu: Ah
Công thức Ah = 1.7 x AhLT
Lúc nãy chúng ta tính được AhLT là 6 (Ah) vậy Ah = 1.7x6 = 10.2 (Ah). Vậy chúng ta đã biết được thông số của bình ACQUY là 12V, 10.2Ah
Bước 8: Chọn mua ACQUY.
Thông thường sau khi tính ra số Ah cần mua thì chúng ta sẽ khó tìm được ACQUY nào có số Ah đúng với số liệu tính toán trên thị trường. Ví dụ trên thị trường sẽ không có bình ACQUY nào có thông số 12V, 10.2Ah. Cho nên chúng ta phải tự làm tròn số và tìm xem có loại ACQUY đó trên thị trường không. Các loại ACQUY trên thị trường sẽ có số cuối là 0 và 5. Ví dụ như 20, 25, 30,... tùy nhà sản xuất.
Sau khi tìm kiếm thì Phụ Kiện Mặt Trời đã tìm thấy một loại ACQUY có bán và phù hợp với tính toán của thông số vừa tính, loại ACQUY đó có thông số là 12V, 12Ah.
Bước 9: Tính số AMPE cần sạc cho ACQUY để dùng trong 1 giờ
Một ACQUY cần được sạc trong khoảng thời gian từ 6 cho đến 8 giờ để đảm bảo tuổi thọ cho nó. Một ngày thường có khoảng 8 giờ có ánh nắng tốt (từ 8 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều) nên thời gian sạc khoảng 8 giờ.
Vì vậy số AMPE cần sạc trong 1 giờ sẽ bằng số Ah của bình ACQUY chia cho 8 giờ sạc.
Ký hiệu: ACS
Công thức: ACS = Ah : 8
Từ hệ thống phía trên chúng ta sẽ có ACS= 12 : 8 = 1.5 (A). Tức là trong 1 giờ chúng ta cần cung cấp 1.5A cho ACQUY để trong 8 giờ sạc ACQUY sẽ đầy.
Bước 10: Tính công suất lý thuyết tấm năng lượng mặt trời.
Các tấm năng lượng mặt trời hiện nay thường có chuẩn điện áp ra là 17V, vì vậy công suất tấm năng lượng mặt trời sẽ bằng số AMPE cần sạc trong 1 giờ nhân với 17 (Công suất = Cường độ dòng điện x hiệu điện thế - P = U x I).
Ký hiệu: CNLMTLT
Công thức: CNLMTLT = ACS x 17
Tiếp tục ở hệ thống của chúng ta đang tính chúng ta sẽ có CNLMTLT = 1.5 x 17 = 28.9 (W)
Bước 11: Tính công suất tấm năng lượng mặt trời thực tế.
Công suất lý thuyết của tấm năng lượng mặt trời là công suất được tính với ánh nắng lý tưởng còn trong thực tế thì số giờ nắng sẽ khác nhau theo ngày và theo mùa nên để công suất thực tế phù hợp thì ta phải nhân với một hệ số. Theo kinh nghiệm thực tiển và từ một số tài liệu thì hệ số này sẽ từ 1.2 cho đến 1.4.
Ký hiệu: CNLMTTT
Công thức: CNLMTTT = CNLMTLT x (1.2 đến 1.4)
Ở hệ thống này chúng ta sẽ chọn hệ số ở giữa là 1.3 nên công suất tấm năng lượng mặt trời thực tế của chúng ta là: CNLMTTT = 28.9 x 1.3 = 37.57 (W)
Bước 12: Chọn mua tấm năng lượng mặt trời
Chúng ta goi là tấm năng lượng mặt trời chứ không phải là tấm pin năng lượng mặt trời như ở ngoài thị trường đang dùng vì đây là một thiết bị lấy năng lượng từ mặt trời để chuyển đổi thành điện năng chứ nó không có khả năng lưu trữ điện năng.
Trên thị trường có rất nhiều tấm năng lượng mặt trời khác nhau, đôi khi chúng ta tính toán ra nhưng tìm mua lại không có nên chúng ta phải biết cách chọn mua tấm năng lượng mặt trời nào cho phù hợp. Các tấm năng lượng mặt trời đang bán trên thị trường hiện nay thường có công suất có số cuối là 0 và 5, tức là 10, 15, 20, ... Công suất tính toán thường không trùng với các tấm năng lượng mặt trời đang bán ở thị trường nên chúng ta nên làm tròn công suất tính toán và chọn tấm năng lượng mặt trời có giá trị lớn hơn.
Theo tính toán ở bước trên thì công suất chúng ta cần cấp là 37.57W nên chúng ta sẽ làm tròn thành 38W và chọn tấm năng lượng mặt trời 40W là hợp lý.
Bước 13: Tính giá thành tấm năng lượng mặt trời
Giá thành của tấm năng lượng mặt trời phụ thuộc vào công suất (số watt) của tấm, công suất càng lớn thì giá thành càng rẻ. Trên thị trường hiện nay giá thành 1W có giá thành khoảng 25.000VNĐ.
Nếu giá thành của 1W là 25.000VNĐ thì tấm năng lượng mặt trời 40W chúng ta đang cần sẽ có giá là 1 triệu đồng.
Bước 14: Chọn bộ điều khiển sạc năng lượng mặt trời
Dựa vào số AMPE cần sạc trong 1 giờ (ACS) ở bước 9 ta sẽ chọn bộ điều khiển sạc năng lượng mặt trời cho phù hợp. Bộ điều khiển phải chịu được dòng điện lớn hơn số AMPE cần sạc để đảm bảo an toàn cho bộ điều khiển. Ta nên nhân số AMPE cần sạc với hệ số an toan từ khoảng 1.5 cho đến 2.
Ký hiệu: AĐKS
Công thức: AĐKS = ACS x (1.5 đến 2)
Trong hệ thống chúng ta đang làm sẽ lấy hệ số an toàn là 1.5 nên khi đó AĐKS = ACS x 1.5 = 1.5 x 1.5 = 2.25. Vậy chúng ta sẽ chọn bộ điều khiển sạc là 5A nhưng trên thị trường bộ điều khiển sạc 5A hơi khó tìm nên chúng ta sẽ chọn bộ 10A. Giá thị trường khoảng 450.000VNĐ.
Bước 15: Chọn công suất bộ đảo điện từ 12V sang 220V (INVERTER)
Việc chọn công suất bộ đảo điện (inverter) còn phụ thuộc vào công suất của thiết bị và loại thiết bị. Để chạy động cơ thì thông thường chúng ta phải dùng loại inverter trên 350W, nếu chỉ để thấp sáng thì có thể chọn loại có công suất thấp hơn. Giá thành trung bình của một bộ inverter khoảng 1000VNĐ/1W. Inverter có công suất càng cao thì giá thành trên 1W càng rẻ. Ngoài ra giá thành trên 1W còn phụ thuộc vào loại inverter đó ra điện AC sin chuẩn hay không. Tuy nhiên hàng bình dân thì có giá khoảng 1000VNĐ/1W là tạm dùng được.
Công suất của bộ đảo điện sẽ bằng công suất tiêu thụ của thiết bị nhân với hệ số an toàn từ 1.5 cho đến 2.
Ký hiệu: CI
Công thức: CI = CS x (1.5 đến 2)
Cần chú ý một số loại động cơ như tủ lạnh, máy giặc có dòng khởi động lớn gấp 5 đến 6 lần dòng bình thường nên nếu dùng bộ inverter cho tủ lạnh và máy giặc thì phải nhân với hệ số an toàn từ 5 đến 6.
Tiếp tục quay lại với hệ thống của chúng ta sẽ lấy hệ số an toàn là 1.7 khi đó CI = CS x 1.7 = 18 (bóng đèn neon 18W) x 1.7 = 30.6W
Trên thị trường loại inverter thấp nhất có công suất là 80W và có giá thành khoảng 80.000VNĐ
Bước 16: Tính tổng giá thành hệ thống năng lượng mặt trời.
Tổng giá thành hệ thống năng lượng mặt trời sẽ bằng: Tấm năng lượng mặt trời + Bộ điều khiển sạc + ACQUY + INVERTER. Nếu bạn tự làm sẽ không tốn công lắp đặt.
Giá thành hệ thống thắp sáng cho đèn neon 0.6m, 18W sử dụng 4 giờ trong 1 ngày sẽ là:
1.000.000 (Tấm NLMT) + 450.000 (Bộ điều khiển sạc) + 360.000 (ACQUY 12V 12A) + 80.000 (Inverter) = 1.890.000 (VNĐ)
Vậy là chỉ cần 1.890.000VNĐ là chúng ta đã có thể tự thiết kế cho mình một hệ thống thắp sáng dùng đèn neon 0.6m, 18W trong 4 giờ mỗi đêm từ 18g00 đến 22g00. Về vấn đề chất lượng thì đây là một hệ thống khá tốt vì trong quá trình tính toán chúng ta đã lấy một hệ số an toàn khá cao. Các bạn có thể dùng hệ thống này để sạc điện thoại cho gia đình mình. Công suất của điện thoại không đáng kể nên sẽ không gây ảnh hưởng đến hệ thống này.
Xin cảm ơn vì đã xem bài viết này, nếu thấy những thông tin hữu ích thì hãy cùng theo dõi trang web của chúng tôi để tìm hiểu thêm về những bài viết liên quan đến năng lượng mặt trời nhé.
Đơn vị sản xuất và phân phối Pin năng lượng mặt trời
Hiện nay trên thị trường Việt Nam có rất nhiều nhiều doanh nghiệp cung cấp Pin và thi công hệ thống điện năng lượng mặt trời, tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng để lựa chọn phương pháp triển khai, nếu Quý khách hàng đang có nhu cầu tư vấn và triển khai có thể liên hệ với công ty DMT (tư vấn miễn phí), đơn vị cung cấp và thi công hệ thống điện và đèn năng lượng mặt trời uy tín và chất lượng tại Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận. Mọi thông tin chi tiết liên hệ: 0978.126.123