Trung Quốc tích trữ dầu mỏ ở mức kỷ lục Leave a comment

Nước này đã nhập khẩu 6,8 triệu thùng dầu tháng trước, mà theo giới phân tích là để tạo vòng đệm cho mình phòng trường hợp giá dầu đột ngột tăng cao hoặc nguồn cung gián đoạn.

Trung Quốc đang gom dầu mỏ cho kho dự trữ chiến lược với tốc độ kỷ lục, có thể tác động mạnh đến thị trường dầu thô thế giới. Động thái trên diễn ra đúng lúc căng thẳng trên biển Đông dâng cao và phương Tây chuẩn bị các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của Nga quanh vấn đề Ukraine. Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang lặng lẽ tạo vòng đệm cho mình phòng trường hợp giá dầu đột ngột tăng cao hoặc nguồn cung gián đoạn.

Theo báo cáo ra tuần trước của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc đã nhập khẩu 6,81 triệu thùng dầu trong tháng 4, cao nhất từ trước đến nay. Nguồn cung chủ yếu đến từ Nga, Angola và Iraq. Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) gần đây đã ký hợp đồng trị giá 270 tỷ USD với hãng dầu mỏ quốc gia Nga – Rosneft để mua dầu thô. Trong 25 năm tới, Nga sẽ xuất khẩu hơn 700 triệu tấn dầu sang Trung Quốc.

Cơ quan này ước tính mỗi ngày 1,4 triệu thùng dầu chảy vào kho dự trữ đang ngày một phình lên của Trung Quốc. Hoạt động giao hàng chủ yếu tập trung tại các cảng biển gần bồn dự trữ tại Thiên Tân và Hoàng Đảo.

china-oil-2059-1401164662.jpg

Trung Quốc đã nhập khẩu dầu thô kỷ lục trong tháng 4. Ảnh: Bloomberg

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu nhiều thứ nhì thế giới, theo Bloomberg, nhằm đáp ứng tốc độ phát triển nhanh ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, động thái gần đây của nước này lại làm dấy lên nhiều nghi ngờ, do kinh tế Trung Quốc đã tăng chậm  nhiều tháng nay, chủ yếu do ngành thép và xây dựng suy giảm.

Trung Quốc đóng góp khoảng 40% mức tăng trong nhu cầu dầu thế giới. Vì vậy, bất kỳ động thái tăng dự trữ nào của họ cũng sẽ khiến nguồn cung thế giới sụt giảm gần như ngay lập tức, đẩy giá giao ngay lên cao.

Michael Lewis – Giám đốc bộ phận hàng hóa của Deutsche Bank cho biết, các quan chức Cục Dự trữ Chiến lược tại Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược “mua khi giá giảm”. Họ tích trữ bất kỳ lúc nào dầu thô Brent rơi xuống ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Giá dầu Brent hiện là 110 USD một thùng.

“Việc này cũng tương tự cách họ làm với đồng. Bất kỳ lúc nào giá rơi xuống dưới 7.000 USD một tấn, Trung Quốc lại mua vào. Nông sản cũng  như vậy”, ông cho biết trên Telegraph.

Trung Quốc đang đặt mức giá sàn cho thị trường dầu thế giới, làm dấy lên nghi ngờ về dự báo của các ngân hàng năm nay. Nhiều nhà băng cho rằng giá dầu sẽ tăng khi lượng dầu thô từ Libya, Iraq và Iran tăng lên, còn Mỹ liên tục tăng cung đá phiến sét (nguồn chiết tách dầu mỏ và khí đốt bằng công nghệ bẻ gãy thủy lực).

Chiến lược mua vào của nước này có thể còn tiếp diễn trong thời gian dài. Do Trung Quốc đang tăng khả năng dự trữ từ 160 triệu thùng lên 500 triệu thùng năm 2020, với nhiều điểm dự trữ trên khắp cả nước.

John Mitchell tại tổ chức nghiên cứu Chatham House cho biết, kho dự trữ của Trung Quốc tính đến cuối năm ngoái đã tương đương 46 ngày nhập khẩu. Tuy vậy, số liệu này vẫn còn thấp hơn so với 209 ngày của Trung Quốc. Mức an toàn tối thiểu với các nước thành viên OECD là 90 ngày.

Giới chức Trung Quốc cũng lo ngại khi nước này ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ. Năm nay, nhập khẩu dầu Trung Quốc đã chiếm 60% tiêu thụ. Đây được coi là mốc nguy hiểm. Các nhà hoạch định chính sách nước này đã nghiên cứu kịch bản có thể xảy ra nếu thế giới có xung đột, như chiến tranh tại Trung Đông hay Eo biển Hormuz bị đóng cửa. Theo đó, khu vực Đông Á sẽ tổn thương nặng hơn Mỹ nếu nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông bị gián đoạn.

Động thái của Trung Quốc diễn ra khi phương Tây đang đe dọa có vòng trừng phạt thứ 3 với Nga, nếu cuộc bầu cử tại Ukraine không diễn ra suôn sẻ. Các nguồn tin từ Washington cho thấy Mỹ có thể đưa hãng dầu mỏ quốc gia Nga – Rosneft vào tầm ngắm. Việc này sẽ khiến các đồng minh châu Âu của Mỹ ít tổn hại hơn là đánh vào Gazprom. Do khí đốt tự nhiên hãng này đang cung cấp cho châu Âu chủ yếu qua đường ống và khó thay thế.

Mỹ đã trừng phạt Chủ tịch Rosneft – Igor Sechin – kiến trúc sư trưởng các chính sách về năng lượng của Kremlin trong thập kỷ qua. Lewis cho biết bất kỳ động thái nào gây nguy hiểm đến thị trường năng lượng sẽ gây ra gián đoạn hoạt động thương mại, do phần lớn ngân hàng không sẵn sàng thực hiện các giao dịch. “Việc này sẽ làm đứt quãng nguồn cung và đẩy giá dầu lên cao”, ông nói.

Hà Thu


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
Tin nhắn
Zalo
Tin nhắn
Điện thoại