Đề xuất sáp nhập các tập đoàn dầu khí lớn đang bị phản đối do có thể làm giảm sự cạnh tranh, đồng thời phá hỏng nỗ lực cải tổ kinh tế của nước này.
Trong các cuộc thảo luận sơ bộ, nhiều lãnh đạo ngành dầu mỏ cho rằng người tiêu dùng sẽ có lợi hơn nếu cải tổ theo xu hướng thị trường, thay vì sáp nhập theo quan điểm của Chính phủ. Một lãnh đạo nhận xét: “Ngành này đang có sự thụt lùi lớn”.
Các cố vấn Chính phủ cũng tỏ ra ngờ vực. Zhang Wenkui – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cho biết: “Sáp nhập các công ty dầu mỏ lớn sẽ chỉ làm tăng tính độc quyền của nhà nước, giảm hiệu quả, đồng thời gây tổn hại cho người tiêu dùng. Câu hỏi lớn hơn nên đặt ra lúc này là làm sao để tăng tính cạnh tranh trong ngành năng lượng, chứ không phải ngược lại”.
Sinopec là một trong các hãng dầu lớn đang được cân nhắc sáp nhập. Ảnh: Bloomberg |
Bắc Kinh đang chịu áp lực cải tổ ngành năng lượng sau thời gian dài chật vật do giá dầu sụt giảm. Đầu năm nay, giới lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu một đội cố vấn tập trung tìm cách cải thiện ngành công nghiệp năng lượng, bao gồm việc sáp nhập những công ty sản xuất dầu mỏ lớn nhất nước.
Đầu tuần này, ngành dầu mỏ cũng có sự thay đổi nhân sự quan trọng. Tuy đúng theo dự đoán, tin tức này vẫn gây hoang mang cho các công ty. Ông Fu Chengyu – nhân vật có tiếng trong ngành dầu mỏ Trung Quốc, đã rời ghế Chủ tịch hãng lọc dầu Sinopec. Thay thế ông là Wang Yupu – cựu phó chủ tịch tỉnh Hắc Long Giang.
Zhou Jiping – Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) – hãng sản xuất dầu mỏ lớn nhất nước cũng sẽ bị thay thế bởi Wang Yilin – Chủ tịch Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). Yang Hua – Giám đốc điều hành hiện tại của CNOOC sẽ lên thay ông Wang ở ghế chủ tịch.
Thương vụ với Tập đoàn Nexen (Canada) với giá 15 tỷ USD năm 2013 là vụ thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc. Nó đã củng cố vị thế của CNOOC trên thế giới, đồng thời giúp các quan chức cấp cao của CNOOC được Chính phủ tín nhiệm.
Các công ty dầu mỏ khác của nước này thì đang loạng choạng vì giá dầu lao dốc, cũng như chiến dịch truy quét tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình. Hơn 20 quan chức cấp cao trong ngành năng lượng đã bị điều tra vì cáo buộc hối lộ và lạm dụng chức quyền trong hai năm qua.
Hai phương án được các nhà chức trách nghiên cứu là hợp nhất CNPC với Sinopec, và Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) với Tập đoàn Sinochem. Sáp nhập để hình thành những công ty quốc doanh lớn mạnh hơn được giới chức nước này cho là giải pháp để lấy lại vị thế của Trung Quốc trên thế giới.
Dù vậy, vấn đề là làm thế nào để điều hành thật hiệu quả các công ty sau hợp nhất mà không cần cắt giảm nhân sự. PetroChina (thuộc CNPC) hiện có khoảng 530.000 lao động trên thế giới, gấp 7 nhân viên Exxon Mobil (Mỹ). Trong khi đó, lợi nhuận ròng năm 2014 của PetroChina chỉ đạt 107,1 tỷ NDT (17,2 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với 32,52 tỷ USD của Exxon.
Ngoài ra, các công ty dầu mỏ lớn của Trung Quốc cũng đang chịu áp lực quản lý tài chính chặt chẽ hơn. Họ đã chi mạnh tay cho những trang thiết bị, máy móc ở nhiều chi nhánh trên toàn thế giới trong những năm gần đây, nhưng lại rơi vào tình trạng thụt lùi sau khi giá dầu giảm gần một nửa. Cả CNPC và Sinopec đều báo cáo doanh thu rất thấp quý đầu năm nay và phải giảm chi tiêu.
Dù vậy, giới chức cho rằng Chính phủ Trung Quốc vẫn có khả năng làm chao đảo cả ngành công nghiệp bằng việc buộc sáp nhập. Rosealea Yao – nhà phân tích tại GavekalDragonomics cho biết: “Ông Tập Cận Bình thích nghĩ lớn. Và xét trong bối cảnh vận may chính trị trong ngành dầu mỏ đang đảo ngược như hiện nay, chúng tôi cho rằng việc tái cấu trúc là khó tránh khỏi. Kết quả thu về sẽ là những vụ sáp nhập có chọn lọc, mức độ tự do hóa được đẩy mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực lọc dầu và phân phối”.
Thanh Tuyền (theo Wall Street Journal)