Lần đầu tiên các nhà khoa học sử dụng camera 3D quay chậm để theo dõi chuyển động của con rắn đuôi chuông tấn công chuột trong môi trường hoang dã.
Video quay chậm được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Mỹ, để làm rõ hành vi tương tác trong mối quan hệ kẻ đi săn – con mồi giữa hai loài rắn đuôi chuông (rattlesnake) và chuột nhảy hai chân (kangaroo rat), Gizmodo hôm 13/1 đưa tin.
“Chúng tôi dùng camera hồng ngoại ghi lại một số cảnh quay đáng kinh ngạc của rắn đuôi chuông tấn công chuột trong đêm ở bang New Mexico vào mùa hè năm 2015”, Timothy Higham, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học California, cho biết.
Rắn đuôi chuông suýt cắn trúng con mồi. Ảnh: Đại học California. |
“Công nghệ quay phim tiên tiến hiện nay cho phép chúng tôi khám phá cuộc tấn công của kẻ đi săn hay sự trốn thoát tài tình của con mồi, cụ thể là khả năng tấn công chính xác của con rắn hay khả năng kịp thời phát hiện mối đe dọa để trốn thoát của chuột”, Higham nói.
Đoạn video quay chậm chất lượng cao cho thấy con rắn đuôi chuông đã bở lỡ bữa ăn vào những giây cuối cùng, khi con chuột kịp thời phát hiện kẻ săn mồi và bật tung người lên không trung, thoát khỏi cú đớp tử thần của con rắn.
Các nhà khoa học giải thích chuột sử dụng loại “năng lượng dự trữ đàn hồi” để kịp thời nhảy ra khỏi đường tấn công của rắn. Chuột tận dụng cơ gân ở chân sau để tích trữ năng lượng và giải phóng năng lượng bằng cách nhảy bật lên, giúp nó né nhanh pha tấn công chớp nhoáng của kẻ thù.
Huỳnh Phương