Lợi thế trên toàn chuỗi cung ứng từ giá thành, tốc độ đến công nghệ, Trung Quốc giữ thống trị tuyệt đối ngành sản xuất pin mặt trời toàn cầu. Leave a comment


Tại nhà máy công suất 2 GW mỗi năm của Eco Green Energy ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, chỉ khoảng 30 công nhân làm việc và tăng lên 45 vào mùa cao điểm. Quá trình sản xuất hầu hết đều tự động bằng chính các máy móc nội địa.

Nguồn cung pin năng lượng mặt trời toàn cầu hiện nay chủ yếu từ Trung Quốc. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nước này chiếm ba phần tư công suất vào 2021. Đến nay, vài công ty Trung Quốc đã chuyển một phần sản xuất sang Đông Nam Á để tránh các rào cản thương mại của Washington.

Vì vậy, thị phần sản xuất pin mặt trời của các nước châu Á khác đạt khoảng 14%, trong khi châu Âu và Mỹ chỉ nắm giữ lần lượt 3% và 1%. Năm ngoái, Tổ chức tư vấn năng lượng Ember cho biết Trung Quốc tiếp tục duy trì vị thế thống trị trong việc xuất khẩu các tấm pin và mô-đun năng lượng mặt trời.

Mô-dun này bán ra nước ngoài chiếm 80% tổng xuất khẩu toàn cầu, đạt tổng công suất phát điện khoảng 220.000 MW, tăng hơn 55.000 MW so với năm 2022. Khách hàng tiêu thụ chính là châu Âu, chiếm 46,35%. Tiếp đến là châu Á (23%), Mỹ Latinh và Caribe thị phần lớn thứ ba với 14%.

Sự thống trị tuyệt đối về sản xuất pin mặt trời của Trung Quốc thể hiện nổi bật tại Hội nghị Năng lượng mới Thượng Hải – một trong những hội chợ thương mại lớn nhất trong ngành, được tổ chức vào giữa tháng 6 vừa qua.

Các nhà triển lãm lớn đều là nội địa như Longi, Chint, Q-Sun, Yingli, Sunflower. “Hầu như mọi thứ đều diễn ra ở Trung Quốc và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt”, Chris Cheng, Giám đốc bán hàng Morego Solar trụ sở tại Nam Kinh nhận xét.

Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất mô-đun quang điện ở Liên Vân Cảng, Giang Tô ngày 24/6. Ảnh: AFP

Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất mô-đun quang điện ở Liên Vân Cảng, Giang Tô ngày 24/6. Ảnh: AFP

Theo chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành, Trung Quốc lợi thế trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất pin mặt trời, từ vật liệu, chi phí đến công nghệ sản xuất.

Ở thượng nguồn, sản xuất vật liệu cơ bản từ silicon là ví dụ. Silicon phải được nung nóng đến nhiệt độ rất cao để tinh chế và hình thành các khối dùng tạo ra tế bào quang điện. Trong quá trình này, chi phí điện chiếm 40% giá thành. Nhờ có nhiệt điện than rẻ nên tinh chế silicon ở Trung Quốc chỉ tốn khoảng 75 USD mỗi mWh, thấp hơn 30% so với chi phí trung bình toàn cầu.

Máy sản xuất pin mặt trời cũng nội địa hóa. Tại Eco Green Energy, dây chuyền cung cấp bởi Autowell tại Vô Tích, cách đó chưa đầy 100 km. Họ đánh bại các nhà cung cấp Đức nhờ giá thấp và công nghệ được cập nhật trung bình 2 năm một lần, cho phép tấm pin tạo ra nhiều năng lượng hơn trên cùng một diện tích bề mặt.

Eco Green Energy có 8 máy như vậy, với mỗi chiếc giá khoảng 150.000 USD. Mặc dù có kích thước chục mét nhưng máy được giao trong vòng một tháng và lắp đặt tại chỗ với khả năng bảo trì nhanh chóng.

Chuỗi cung ứng cũng được tổ chức rất nhanh. Dalibor Nikolovski, Đồng sáng lập Eco Green Energy cho biết chỉ cần đặt hàng vào buổi sáng thì vật tư – tế bào quang điện, thanh và tấm nhôm anod và kính đặc biệt – được giao ngay buổi chiều. “Ở châu Âu, các tế bào quang điện cần 2 tháng để vận chuyển đến, cũng có nguồn gốc Trung Quốc”, ông so sánh.

Nhà máy của công ty mới vận hành từ 2022, sau khi lựa chọn giữa hàng loạt ưu đãi về giá thuê đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận cao tốc và bến cảng của các khu công nghiệp khác nhau ở Nam Thông. Chỉ mất tổng cộng 6 tháng để tìm vị trí, xây nhà máy, lắp đặt máy móc và đi vào hoạt động.

Chi phí lao động Trung Quốc cũng là một yếu tố cạnh tranh nhưng ngày nay chỉ thứ yếu, đặc biệt khi tiền lương ở các khu vực phát triển như Giang Tô đôi khi cao hơn ở Đông Âu.

Nhìn chung, sức mạnh tổng hợp của hệ sinh thái này khiến Trung Quốc khó bị đánh bại trong lĩnh vực sản xuất pin mặt trời. Theo IEA, chi phí trên toàn bộ chuỗi quang điện ở Trung Quốc rẻ hơn 10% so với Ấn Độ, 20% so với Mỹ và 35% so với châu Âu.

Viện Năng lượng Mặt trời Quốc gia Pháp từng mời Nikolovski đầu tư tại nước này nhưng ông từ chối vì cho rằng không có ý nghĩa kinh tế. “Mười lăm năm trước, chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để phát triển ngành công nghiệp này ở châu Âu, nhưng giờ đã quá muộn. Khoảng cách ngày càng rộng, nguyên liệu ở Trung Quốc và các thế hệ sản phẩm mới nhất đang được phát triển ở đây”, ông nói.

Chiến thắng trong ngành pin mặt trời là nguồn gốc của mối căng thẳng (thương mại) lớn giữa Trung Quốc và phương Tây, theo Le Monde. Một thập niên trước, sản lượng tăng từ Trung Quốc khiến EU phải áp đặt hạn ngạch và mức giá sàn đối với các tấm pin “made in China” trong 5 năm kể từ 2013 để cứu sản xuất địa phương. Tuy nhiên, châu Âu sau đó vẫn không phát triển được ngành pin mặt trời.

Ngày nay, sản xuất pin mặt trời gần như “tuyệt chủng” gây nhiều bận tâm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. “Chúng tôi không quên các hoạt động thương mại bất công của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến ngành năng lượng mặt trời như thế nào”, bà nói tháng 9/2023.

Tương tự, chủ đề pin mặt trời Trung Quốc cũng thường xuyên xuất hiện ở Mỹ. IEA cho hay giá tấm pin mặt trời toàn cầu đã giảm gần 50% trong năm ngoái. Giá giảm khiến các kế hoạch mở rộng sản xuất pin mặt trời ở Mỹ bị cản trở.

Ủy ban Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời Mỹ (AASMTC) cho rằng giá thấp nhìn có vẻ hấp dẫn nhưng không bền vững với các nhà sản xuất nước này. “Nếu Trung Quốc giữ độc quyền trên thị trường năng lượng mặt trời, họ sẽ có toàn quyền quyết định giá cả, phá hủy cạnh tranh lành mạnh”, tổ chức này bình luận.

Tuy nhiên, mối đe dọa đối với ngành sản xuất pin mặt trời cũng đến từ Trung Quốc. Jackson Gu, Giám đốc bán hàng pin năng lượng mặt trời Shuangliang ở Nội Mông cho biết thị trường cạnh tranh quá gay gắt khiến các doanh nghiệp phải liên tục cắt giảm chi phí và lợi nhuận còn rất thấp.

Vào đầu những năm 2010, sự quan tâm của Trung Quốc đối với năng lượng tái tạo đã thúc đẩy làn sóng đầu tư sản xuất pin mặt trời. Các địa phương đều muốn có nhà máy của riêng mình, hỗ trợ tín dụng và đất rẻ cho doanh nghiệp đầu tư.

Cơn sốt đã tạo ra Suntech, một tập đoàn đánh bại các đối thủ từ Đức và dẫn đầu thế giới. Nhưng Suntech sau đó cũng tuyên bố phá sản. Hiện tại, nhà sản xuất pin mặt trời lớn nhất thế giới cũng có quốc tịch Trung Quốc, tên là Longi. Hồi tháng 3, họ xác nhận đang cắt giảm 5% lực lượng lao động.

Phiên An (theo Le Monde, Reuters)



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
Tin nhắn
Zalo
Tin nhắn
Điện thoại