Nhiệt điện than sẽ chiếm hơn 50% sản lượng điện sau 2030 Leave a comment


Những quan ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường của nhiệt điện than, tro xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện sẽ được khắc phục nếu kiểm soát bằng công nghệ.

Phát triển nhiệt điện than sẽ được tính toán ra sao trong tương lai và cách nào giảm trừ ô nhiễm từ loại năng lượng này là câu hỏi một lần nữa được các chuyên gia mổ xẻ tại hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về nhiệt điện than”, được tổ chức ngày 13/12.

Theo ông Lê Văn Lực – Phó cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), trong cơ cấu các nguồn thì nhiệt điện than cung cấp 37-38% điện năng cho nhu cầu điện năng quốc gia,với 176 tỷ kWh năm 2017 và khoảng 216 tỷ kWh năm nay. Theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh, nguồn năng lượng này sẽ chiếm khoảng 53% cho hệ thống điện. 

“Thuỷ điện đã tới hạn, điện khí thì rất hạn chế vì nhập khẩu giá cao và phụ thuộc thị trường thế giới, điện mặt trời thì công suất kém, không đáp ứng đủ. Cho nên từ nay tới năm 2030 và nhiều năm sau nhiệt điện than vẫn chiếm cơ cấu chủ yếu trong thị trường điện mới đảm bảo cung cấp điện với giá hợp lý cho phát triển kinh tế, xã hội”, ông Lực nhấn mạnh.

Cho rằng “bất kỳ nguồn điện nào đều có tính hai mặt”, Phó cục trưởng Cục Điện lực & năng lượng tái tạo nói “phát thải gây ô nhiễm môi trường của nhiệt điện than là có nhưng có thể khắc phục được và nằm trong phạm vi cho phép”.

Nhà máy nhiệt điện than Thái Bình. Ảnh: Hoài Thu

Nhà máy nhiệt điện than Thái Bình. Ảnh: Hoài Thu

Trong khi đó, Tiến sĩ Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam nêu thực tế, việc phê phán nhiệt điện than xuất phát từ nhận xét đốt nhiều than là nguồn phát thải lớn khí nhà kính CO2, các nhà máy nhiệt điện thải ra nhiều tro, xỉ, nhiều khí độc hại SO2 và Nox.

Dù vậy, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam lưu ý, việc đánh giá các thông tin cần dựa trên nguyên tắc khoa học và đảm bảo tính khách quan, công bằng cho lĩnh vực nhiệt điện than. Bởi thực tế, có việc một số nhà máy làm phát tán nguồn tro, xỉ nhưng ngay sau đó đã tiến hành khắc phục, nên không thể suy diễn tất các nhà máy nhiệt điện than đều nguy hại.

“Xả thải của nhiệt điện than đúng là có rất nhiều kim loại nặng nhưng đều có hàm lượng rất bé, thậm chí bé hơn nồng độ quy định tới 3.000 lần. Chúng ta bốc nắm đất lên cũng không thiếu nguyên tố kim loại nặng, thậm chí trong cơ thể của chúng ta cũng có các nguyên tố kim loại nặng như sắt, kẽm…”, ông Nghĩa phân tích.

Là người trong cuộc, ông Nguyễn Tân Bình – Trưởng ban Khoa học, công nghệ và môi trường (Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN) chia sẻ tâm tư khi dư luận “có cái nhìn chưa thực khách quan về nhiệt điện than”.

Theo ông, các nhà máy điện than do EVN quản lý đều sử dụng công nghệ hiện đại và quan trọng là đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường. Theo đó, tất cả nhà máy nhiệt điện đốt than đều sử dụng hệ thống xử lý bụi tĩnh điện khô với hiệu suất lên đến 99,7% và đều có hệ thống gom, xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt đáp ứng theo quy chuẩn Việt Nam, được tái sử dụng, không xả ra môi trường.

“Theo đánh giá thì tro xỉ của các nhà máy này đều thuộc chất thải rắn công nghiệp thông thường, không phải chất thải nguy hại và được phép tái sử dụng phục vụ mục đích xây dựng, đã có nhiều đối tác liên hệ với các nhà máy nhiệt điện than để tiêu thụ tro xỉ”, đại diện EVN cho biết thêm.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, những lo ngại của người dân về nhiệt điện than cũng xuất phát từ việc chưa được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về công nghệ cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường của các nhà máy này.

Theo ông, phát triển nhiệt điện than trong giai đoạn tới với một tỷ lệ thích hợp là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao hiệu suất các tổ máy, giảm tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải ra môi trường.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các dự án xây mới, sẽ áp dụng các công nghệ xử lý khói thải, nước thải tiên tiến. Các nhà máy đang vận hành sẽ tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện đầy đủ các quy trình vận hành, cải tiến, nâng cấp, lắp đặt thêm các hệ thống thiết bị xử lý môi trường; tăng cường các giải pháp sử dụng tro, xỉ, thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, san lấp công trình xây dựng,… nhằm đáp ứng các quy định về phát thải của Việt Nam cũng như quốc tế.

Anh Minh


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
Tin nhắn
Zalo
Tin nhắn
Điện thoại