Bộ trưởng Đức khẳng định đất nước sẽ chấm dứt phụ thuộc vào than đá Nga và gần như không còn phụ thuộc vào dầu mỏ Nga trong năm nay.
“Qua từng ngày, từng giờ, chúng ta đang dần tạm biệt những sản phẩm nhập khẩu từ Nga. Đến mùa thu, chúng ta sẽ độc lập với nguồn than đá từ Nga và đến cuối năm nay sẽ gần như độc lập với nguồn dầu mỏ của Nga”, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung ngày 12/3 dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế và Môi trường Đức Robert Habeck.
Số liệu thống kê do chính phủ Đức công bố cho thấy Nga chiếm 1/3 tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu vào nước này còn than đá là 45%.
Cắt giảm khí đốt từ Nga là viễn cảnh khó khăn hơn đối với Đức vì Nga là nhà cung cấp hơn 50% tổng lượng khí đốt nhập khẩu tại Đức.
Habeck không cam kết ngừng nhập khẩu tất cả mặt hàng năng lượng từ Nga. Ông lo ngại quyết định này sẽ dẫn đến thiếu hụt nhiên liệu vào mùa đông và gây lạm phát. Bộ trưởng Đức đồng thời lưu ý nước này chưa đảm bảo năng lực nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đủ phục vụ các nhu cầu kinh tế và xã hội.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng thừa nhận dầu mỏ và khí đốt Nga “giữ tầm quan trọng thiết yếu” đối với cuộc sống thường nhật của người dân Đức.
Chính phủ Đức xác nhận đang thảo luận với Qatar về nguồn cung năng lượng và hợp tác đầu tư. Bộ trưởng Habeck đã kêu gọi OPEC nhanh chóng tăng sản lượng khai thác dầu mỏ nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường thế giới, giải quyết tình trạng giá năng lượng leo thang vì xung đột vũ trang tại Ukraine. Trong cuộc họp tuần trước của OPEC+, gồm 13 thành viên OPEC và 10 đối tác trong đó có Nga, các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới cam kết không thay đổi sản lượng kế hoạch tính đến tháng 4.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 11/3 thông báo cơ quan này đang lên kế hoạch giúp Liên minh châu Âu (EU) giảm lệ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ và than đá nhập khẩu từ Nga với lộ trình 5 năm tính từ năm 2022.
Sau khi Nga công nhận độc lập hai vùng ly khai Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 22/2 yêu cầu cơ quan quản lý của Đức đình chỉ quá trình xem xét dự án Nord Stream 2, đường ống dài 1.230 km dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua ngả Ukraine hay Ba Lan. Đường ống bắt đầu được xây dựng từ năm 2018 và hoàn thành năm ngoái nhưng chưa đi vào hoạt động.
Trung Nhân (Theo Reuters, AFP)