Hợp tác với Nga đóng vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng Nhật, nhưng Tokyo đang đứng trước sức ép lớn phải từ bỏ nguồn dầu khí này.
Sakhalin-2, dự án dầu mỏ và khí đốt ở vùng Viễn Đông của Nga, từng được xem như hình mẫu cho tương lai hợp tác toàn cầu của Nga. Sakhalin-2 được khởi động vào đầu thế kỷ này, là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga vào thời điểm đó, thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn dầu khí quốc tế và Nhật Bản.
Công nghệ khắp thế giới hội tụ ở dự án, giải quyết một trong những môi trường khai thác dầu mỏ và khí đốt thách thức nhất thế giới trên hòn đảo núi lửa cách bờ biển phía bắc Nhật Bản 40 km. Dự án kết hợp cả hạ tầng khai thác dầu mỏ xa bờ và nhà máy khí đốt hóa lỏng (LNG) đầu tiên trong lịch sử Nga.
Thế nhưng, Sakhalin-2 đang có nguy cơ trở thành biểu tượng cho hồi kết của kỷ nguyên hợp tác từng đầy ắp hứa hẹn ấy. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine dẫn đến một loạt lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào ngành năng lượng nước này. Quá trình phương Tây từ bỏ năng lượng Nga có nguy cơ không thể đảo ngược trong một sớm một chiều.
Dù cách vùng chiến sự tại Ukraine hơn 8.000 km, Nhật Bản đang cảm nhận rõ sức nóng từ cuộc khủng hoảng, theo Rurika Imahashi, bình luận viên về an ninh chính trị và năng lượng của Nikkei. Mối lo an ninh năng lượng của Tokyo ngày một rõ nét qua từng động thái siết chặt lệnh trừng phạt Moskva của phương Tây.
Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy nhanh tốc độ thoát phụ thuộc năng lượng Nga, bắt đầu với quyết định cấm nhập khẩu than đá vào tháng 4 và tiếp nối bằng lệnh cấm dầu mỏ đang được xem xét. Lộ trình ngừng mua khí đốt Nga cũng đang được các nước châu Âu tích cực thảo luận.
Tokyo đã tìm cách phối hợp với phương Tây trong nỗ lực gây sức ép lên Moskva. Nhật Bản ủng hộ loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương cùng quan chức, tài phiệt Nga. Nhật Bản cũng cấm nhập khẩu vodka Nga, đồng thời ngưng xuất khẩu xe và hàng hóa xa xỉ sang nước láng giềng phía tây bắc.
David Boling, giám đốc mảng thương mại châu Á và Nhật Bản thuộc tổ chức nghiên cứu chính sách Eurasia Group, cho rằng kể từ khi khủng hoảng Ukraine bùng phát, quan hệ Nhật – Nga đã chuyển sang trạng thái “đóng băng sâu rộng”. “Thủ tướng Fumio Kishida đã đặt dấu chấm hết cho phương châm thân thiện với Nga dưới thời Shinzo Abe, nhanh chóng triển khai một số lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay nhắm vào Nga”, Boling bình luận.
Nhưng hợp tác năng lượng giữa Nhật Bản với Nga lại là một khía cạnh hoàn toàn khác. Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ năm của Nhật, chiếm khoảng 4% dầu, 9% khí đốt và 11% than đá được nhập khẩu vào nước này.
Là quốc gia phải nhập khẩu khoảng 90% nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của toàn bộ nền kinh tế – xã hội, Nhật Bản sẽ đối mặt với những rắc rối không nhỏ nếu mất đi nguồn cung năng lượng từ Nga.
Bình luận viên Imahashi cho rằng Nhật Bản đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan ngày một rõ với năng lượng Nga. Nhiều nghị sĩ Nhật thừa nhận nước này duy trì dự án hợp tác năng lượng với Nga càng lâu thì tác động tiêu cực đến hình ảnh quốc tế, đặc biệt trong mắt đồng minh Mỹ và đối tác phương Tây, càng lớn.
Trước sức ép từ các lệnh trừng phạt phương Tây, tập đoàn Shell của Anh và Exxon Mobil của Mỹ đã thông báo kế hoạch rút chân khỏi các dự án năng lượng đa quốc gia Sakhalin-1 và Sakhalin-2 với Nga, trong đó có các công ty Nhật Bản nắm cổ phần.
Nhưng Thủ tướng Kishida cuối tháng 3 tuyên bố nước này không có ý định thoái vốn khỏi các dự án hợp tác năng lượng với Nga. Ông nói Sakhalin-2 “vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản trên góc độ an ninh năng lượng” vì dự án này giúp đất nước đảm bảo nguồn cung LNG dài hạn giá rẻ.
Ông Kishida nhấn mạnh an ninh năng lượng “là một trong những vấn đề lợi ích quốc gia cần được đảm bảo ở mức cao nhất”, cảnh báo tìm kiếm nguồn cung thay thế năng lượng Nga là thử thách ngày càng khó khăn. Một quan chức Nhật Bản giấu tên tiết lộ rằng thị trường LNG toàn cầu gần như đã bán hết hợp đồng cung cấp dài hạn và nếu muốn ký hợp đồng mới, Tokyo phải chấp nhận chờ đợi nhận những lô hàng khí đốt đầu tiên từ năm 2026.
Trước khủng hoảng Ukraine, Nhật Bản và Nga đã xây dựng quan hệ hợp tác năng lượng khá chặt chẽ. Ít nhất 4 dự án năng lượng Nga có sự tham gia của chính phủ hoặc doanh nghiệp Nhật Bản. Trong đó, dự án Sakhalin-2 cung cấp khoảng 60% sản lượng dầu khí cho Nhật Bản và đảm bảo khoảng 10% nhu cầu LNG nhập khẩu.
Nhật cũng đầu tư vào dự án LNG Bắc Cực 2 tại Nga, theo kế hoạch sẽ bắt đầu sản xuất từ năm 2023, với năng lực khai thác 19,8 triệu tấn LNG/năm.
Hai nước từng xác định đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok năm 2019, thủ tướng Nhật khi đó là Shinzo Abe đã chia sẻ với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng hai nước đang “cùng hướng về một tương lai chung”.
Nga cần phát triển quan hệ với Nhật Bản để “xoay trục sang phương Đông” và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Viễn Đông – Siberia. Trong khi đó, Tokyo cần Moskva để đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn cung nhiên liệu ổn định, theo Ken Koyama, giám đốc điều hành cấp cao tại Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản (IEEJ).
Mục tiêu của Nhật khi đầu tư trực tiếp vào các dự án năng lượng Nga là nhằm đảm bảo nguồn cung dài hạn và không bị tác động về giá. Tàu chở dầu từ Sakhalin đến Nhật Bản chỉ mất vài ngày, trong khi các chuyến hàng từ Trung Đông mất khoảng hai tuần để cập bến nước này, còn từ Mỹ là 4 tuần.
Theo bình luận viên Imahashi, giới lãnh đạo Nhật Bản còn lo ngại viễn cảnh nếu họ rút chân khỏi dự án Sakhalin, nước khác có thể nhảy vào thế chỗ, hưởng lợi từ hạ tầng do Nhật Bản góp vốn phát triển. Giới quan sát cảnh báo bên thứ ba tiếp quản vị trí của Nhật Bản trong các dự án có thể bán khí đốt ra thị trường với giá cao, vừa làm lợi cho Nga, vừa gây thêm khó khăn cho Nhật Bản trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung mới.
Akio Mimura, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho rằng Trung Quốc là ứng viên sáng giá thay thế Nhật Bản trong các dự án năng lượng với Nga. Telegraph cuối tháng 4 đưa tin tập đoàn Shell đang làm việc với một số công ty Trung Quốc để bán lại cổ phần tại dự án Sakhalin.
Theo Kaho Yu, chuyên gia thuộc công ty tư vấn rủi ro chính sách Verisk Maplecroft, Nhật Bản dường như vẫn chưa quên bài học năm 2010, khi nước này thoái vốn khỏi mỏ dầu Azadegan của Iran vì các lệnh trừng phạt của Mỹ cùng phương Tây. Nhật Bản khi đó đã bán lại toàn bộ 75% cổ phần cho Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Iran, để rồi Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc nhảy vào mua lại quyền khai thác mỏ dầu.
Nhưng tiếp tục hợp tác năng lượng với Nga cũng là lựa chọn khó khăn của Nhật Bản. Khảo sát gần đây của Nikkei cho thấy 78% dư luận Nhật Bản ủng hộ giảm phụ thuộc năng lượng Nga, ngay cả khi họ phải mua xăng hay khí đốt với giá cao hơn trước. Chỉ 14% người được khảo sát nói rằng Nhật Bản không nên ngừng nhập khẩu nhiên liệu từ Nga.
Khi phương Tây, đặc biệt là các nước châu Âu, chấp nhận hy sinh nguồn cung nhiên liệu giá rẻ để tăng áp lực trừng phạt với Moskva, Tokyo sẽ ngày càng khó đứng ngoài cuộc.
Theo chuyên gia an ninh năng lượng Nobumasa Akiyama tại Đại học Hitotsubashi ở Tokyo, áp lực quốc tế với Nhật Bản sẽ ngày một nặng nề nếu phương Tây thoát ly hoàn toàn khỏi nguồn cung năng lượng Nga. Thủ tướng Kishida khi đó khó giữ quan điểm “ưu tiên an ninh năng lượng” như hiện nay.
“Chúng ta không thể tiếp tục cách làm ăn như trước được nữa, không còn cách nào khác. Nhật Bản không thể tiếp tục hành xử như thể mọi chuyện vẫn bình thường, với lý do phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, Tadashi Maeda, người đứng đầu Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), ngày 3/3 cảnh báo.
Thủ tướng Kishida hôm 5/5 tuyên bố Nhật Bản sẽ tận dụng các lò phản ứng hạt nhân để giảm phụ thuộc năng lượng Nga, với điều kiện những cơ sở này đáp ứng đủ tiêu chí an toàn.
“Nhật Bản sẽ khắc phục hạn chế trong khả năng tự chủ năng lượng bằng cách mở rộng nguồn cung, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hạt nhân để đa dạng hóa nguồn phát điện”, Thủ tướng Nhật nói thêm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định phương án tăng cường điện hạt nhân tiềm ẩn một số rủi ro, nhất là khi Nhật Bản từng trải qua thảm họa hạt nhân ở nhà máy Fukushima. Khảo sát của Nikkei hồi tháng 3 cho thấy điện hạt nhân vẫn là vấn đề gây tranh cãi rất lớn trong xã hội Nhật Bản, khi gần 50% người được hỏi cho rằng Tokyo không nên đẩy nhanh quá trình tái khởi động các lò phản ứng.
Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sofia của Nhật Bản, lo ngại mục tiêu nâng tỷ trọng điện hạt nhân và năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia đang thiếu tính thực tế. Trong khi nhiều người băn khoăn về tính an toàn của điện hạt nhân, các dự án điện gió hay điện mặt trời lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, cần nhiều thời gian phát triển trước khi có thể trở thành nguồn cung chủ lực cho Nhật Bản.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Nhật với năng lượng Nga được thể hiện rõ khi Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda ngày 5/5 tới Washington để gặp các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Ông Biden đã tuyên bố sẽ thảo luận về tăng cường sức ép trừng phạt Nga với các lãnh đạo G7, điều có thể tăng đáng kể áp lực với Nhật, đặc biệt trong bối cảnh EU đang đề xuất gói cấm vận khắc nghiệt nhất nhắm vào Moskva, trong đó có lệnh cấm nhập dầu từ nước này.
Bộ trưởng Hagiuda đã tuyên bố rằng nước này “sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn nếu lập tức hưởng ứng động thái trên của EU”, do Nhật Bản “rất hạn chế về tài nguyên”.
Tuy nhiên, Koichiro Tanaka, chuyên gia thuộc Đại học Keio ở Tokyo, cho rằng Nhật Bản sớm hay muộn cũng phải đưa ra câu trả lời dứt khoát hơn khi sức ép từ các đồng minh phương Tây tăng lên. “Tranh cãi về quan hệ hợp tác dầu khí với Nga, cùng thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, sẽ là thách thức nặng nề cho lãnh đạo Nhật Bản hiện nay và trong tương lai”, Tanaka nhận định.
Thanh Danh (Theo Nikkei Asia, Bloomberg, Nippon)