Một số chuyên gia cho rằng từ bỏ khí đốt Nga là việc Đức sớm muộn phải làm, song nhiều doanh nghiệp lại lo ngại về hệ lụy nghiêm trọng của nó.
Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận quyết định đoạn tuyệt với khí đốt Nga, sau khi áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó có quyết định cấm nhập khẩu than từ Nga.
Đức đang hưởng ứng nỗ lực này bằng thông báo sẽ dừng nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm nay. “Tiếp đó sẽ là khí đốt, trong lộ trình chung của châu Âu”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thông báo hôm 20/4.
Tuy nhiên, ý tưởng về một lệnh cấm vận khí đốt Nga đang khiến không ít người dân cũng như doanh nghiệp Đức hoảng sợ. Nước này cho đến thời điểm trước khi xung đột nổ ra vẫn nhập khẩu 55% khí đốt từ Nga.
Rosenthal, một trong những nhà sản xuất đồ sứ lâu đời nhất nước Đức, đã trải qua nhiều biến cố trong lịch sử 140 năm của mình. Nhưng họ chưa bao giờ chuẩn bị cho mối đe dọa bị cắt khí đốt, điều có thể khiến dây chuyền sản xuất bị đình trệ đột ngột.
“Chúng tôi không thể sống thiếu khí đốt”, Mads Ryder, giám đốc điều hành Rosenthal, nói. “Chúng tôi không có nguồn năng lượng thay thế nào khác”.
Điều gây lo ngại là bất kỳ sự cố nào khiến khí đốt bị cắt đột ngột cũng có thể làm tê liệt nền công nghiệp Đức. Martin Brudermuller, giám đốc điều hành tập đoàn hóa chất BASF, cho biết lệnh cấm hoàn toàn năng lượng Nga sẽ đẩy các doanh nghiệp Đức vào “cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II”.
Rosenthal, công ty nhỏ với 600 nhân viên nằm gần biên giới Cộng hòa Czech, cho biết họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề ngay khi quyết định cấm khí đốt Nga được đưa ra. “Nếu khí đốt bị cắt, chúng tôi sẽ phải đóng cửa dây chuyền sản xuất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần”, Ryder cho hay. Việc đóng cửa trong thời gian dài “sẽ là dấu chấm hết đối với một số công ty trong ngành” vốn đang phải chật vật để tồn tại vì chi phí lao động và năng lượng quá cao.
Chính nỗi sợ hãi này đã giải thích phần nào cho tâm lý phản kháng của công chúng Đức với ý tưởng đoạn tuyệt khí đốt Nga. Hồi đầu tháng 4, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố trước Hạ viện rằng tình trạng phụ thuộc năng lượng của Đức vào Nga đã “gia tăng trong nhiều thập kỷ và không thể chấm dứt trong một sớm một chiều”. Tất cả các đảng lớn của đất nước đều đồng ý với ông.
Nhưng quan điểm đó có thể ngày càng khó đứng vững khi chiến sự Ukraine tiếp tục leo thang. Chiến dịch của Nga ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, đang chồng chất thêm áp lực lên tất cả các quốc gia châu Âu, buộc họ phải cân nhắc phương án cấm nhập khẩu năng lượng Nga. Đức không phải ngoại lệ.
Trong khi đó, Nga có thể trả đũa các lệnh trừng phạt từ phương Tây bằng cách đơn phương cắt dòng khí đốt sang châu Âu. Dù trong kịch bản nào, Đức cũng đang phải đối mặt với viễn cảnh mà cách đây vài tuần, họ không bao giờ tưởng tượng ra: Một cú sốc về nguồn cung khí đốt khiến nước này phải phân phối năng lượng theo định mức cho các ngành công nghiệp và có thể khiến một số nhà máy lớn nhất nước phải đóng cửa.
Các công ty năng lượng đang mất phương hướng. “Tôi đã chứng kiến rất nhiều gián đoạn và hỗn loạn trước đây”, Leonhard Birnbaum, giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Eon của Đức, cho hay. “Nhưng những gì tôi đang chứng kiến là chưa từng có tiền lệ”.
Siegfried Russwurm, lãnh đạo hiệp hội kinh doanh BDI, cho rằng lệnh cấm nhập khẩu khí đốt đột ngột sẽ khiến tất cả ngành công nghiệp Đức rơi vào bế tắc và tác động lớn tới tính ổn định của nền kinh tế nước này.
Một dự báo do các viện kinh tế hàng đầu của Đức đưa ra hôm 13/4 cho biết lệnh cấm vận năng lượng hoàn toàn của EU sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái mạnh ở Đức, khiến sản lượng kinh tế giảm 2,2% trong năm tới và xóa sổ hơn 400.000 việc làm.
“Đức sẽ mất 220 tỷ euro (gần 240,3 tỷ USD) sản lượng kinh tế vào năm 2022 và 2023, tương đương 6,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”, Stefan Kooths thuộc Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho hay.
Nhưng các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt về tương lai nguồn cung khí đốt từ Nga đến Đức. Một số nhà phân tích và nhà kinh tế nói rằng chi phí dự kiến của lệnh ngừng nhập khẩu cũng như nguy cơ không thể bù đắp nguồn cung từ Nga đã bị phóng đại quá mức. Những người khác cho hay tầm quan trọng của khí đốt Nga không nên là vấn đề duy nhất mà các nhà hoạch định chính sách quan tâm.
Theo Janis Kluge, chuyên gia về Đông Âu tại Viện Quốc tế và An ninh Đức, Berlin nên xem xét lệnh cấm vận khí đốt, ngay cả nếu chỉ vì lý do đạo đức.
“Nếu không gây đủ áp lực lên Moskva trong cuộc xung đột này, chúng ta sẽ đánh mất uy tín chính trị ở châu Âu và phương Tây”, ông nói. “Đức dường như không nhận ra những chi phí khổng lồ khi hành động quá hời hợt”.
Trục năng lượng Berlin – Moskva
Tình thế tiến thoái lưỡng nan về năng lượng của Đức đã trở thành trung tâm của một cuộc tranh luận rộng hơn xoay quanh câu hỏi đơn giản: Vì đâu Đức trở nên phụ thuộc vào năng lượng Nga đến vậy?
Mối quan hệ năng lượng chặt chẽ giữa hai nước bắt nguồn từ một thỏa thuận lịch sử giữa Tây Đức và Liên Xô vào năm 1970, trong đó người Đức trả cho khí đốt của Liên Xô bằng ống thép.
“Đó là một thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả, trong đó có phía Liên Xô”, Birnbaum, giám đốc điều hành Eon, nói. “Họ nhận được tài trợ cơ sở hạ tầng từ phương Tây và chúng tôi có khí đốt giá rẻ”.
Liên Xô khi đó và Nga sau này nổi tiếng là nhà cung cấp đáng tin cậy, luôn bơm khí đốt đúng thỏa thuận, ngay cả khi quan hệ giữa Moskva và phương Tây trở nên căng thẳng.
“Bản chất cộng sinh giữa khách hàng và nhà cung cấp tạo ra sự ổn định”, Frank Mastiaux, giám đốc điều hành EnBW, công ty năng lượng lớn thứ ba Đức, cho hay.
Khi Đức bắt tay vào thay đổi chính sách về năng lượng, nước này ngày càng trở nên phụ thuộc vào khí đốt Nga. Dưới thời cựu thủ tướng Angela Merkel, Berlin đã quyết định loại bỏ dần điện hạt nhân vào năm 2011 và sau đó tiến tới đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than còn lại của đất nước. Tuy nhiên, do nỗ lực mở rộng năng lượng tái tạo bị đình trệ, khí đốt bỗng trở thành nguồn năng lượng ngày càng phổ biến với Đức.
“Trong 20 năm qua, chúng ta đã loại bỏ mọi phương án thay thế”, Birnbaum nói. “Người Đức không muốn bất cứ thứ gì, không than đá, không điện hạt nhân. Và đột nhiên chúng ta phụ thuộc quá mức vào Nga”.
Chính phủ của bà Merkel không chỉ ủng hộ đường ống Nord Stream 2 nhằm tăng dòng khí đốt từ Nga được bơm trực tiếp sang Đức qua Biển Baltic, mà còn để các công ty Nga kiểm soát những phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước.
Một ví dụ điển hình là nhà máy lọc dầu PCK ở thị trấn Schwedt, phía đông Đức, hiện thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft. Rehden, cơ sở lưu trữ khí đốt lớn nhất Tây Âu, hiện do tập đoàn năng lượng Nga Gazprom điều hành.
‘Chịu rét để được tự do’
Đức đang chủ động chuẩn bị cho kịch bản cuối cùng khi phải ngừng nhập khẩu khí đốt Nga.
Sau khi EU khước từ yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble do Nga đưa ra hồi tháng trước, chính phủ Đức đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch khẩn cấp ba giai đoạn vốn được thiết lập vào những năm 1970.
Theo đó, trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, chính phủ Đức sẽ phải quốc hữu hóa mạng lưới phân phối khí đốt của đất nước, đảm bảo khí đốt sẽ được ưu tiên cho các cơ sở hạ tầng quan trọng, như bệnh viện, và phục vụ các hộ gia đình. Các ngành công nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt.
Kịch bản này đang gây xáo trộn khắp nước Đức. Các quan chức chính phủ cho biết họ đã nhận được rất nhiều thư ngỏ từ những lãnh đạo ngành công nghiệp khẳng định tầm quan trọng của mình đối với nền kinh tế.
Các công ty đang chen lấn để giành một vị trí trong danh sách ưu tiên phân bổ khí đốt của chính phủ. Họ chỉ ra rằng các dây chuyền lắp ráp ôtô có thể ngừng hoạt động và sau đó khởi động lại với mức độ thiệt hại tối thiểu, nhưng các lò cao tại nhà máy thép thì không.
FNA, cơ quan quản lý giám sát cơ sở hạ tầng năng lượng của Đức, đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán với các doanh nghiệp nhằm chuẩn bị cho kịch bản ngừng hoạt động không thể tránh khỏi nếu xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt.
“Thật không may, chúng tôi không thể loại trừ tình huống phải đưa ra những quyết định gây hậu quả khủng khiếp với các công ty, việc làm, chuỗi cung ứng và toàn bộ đất nước”, Klaus Muller, chủ tịch FNA, nói với báo Handelsblatt.
Một số công ty như Thyssenkrupp và BASF đã lập danh sách các đơn vị sản xuất mà họ có thể đóng cửa trong trường hợp khẩn cấp. Một số nhà bán lẻ đang vặn nhỏ máy sưởi tại cửa hàng để giảm chi phí năng lượng. Cựu tổng thống Đức Joachim Gauck tháng trước kêu gọi người dân “chịu rét vì tự do”.
Trong lúc đó, chính phủ Đức đang nỗ lực tìm nguồn thay thế cho khí đốt Nga. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck tháng trước đến Qatar để đàm phán về nguồn cung khí đốt hóa lỏng (LNG) dài hạn từ quốc gia Vùng Vịnh này.
Habeck cũng đã xúc tiến thỏa thuận xây dựng một trạm nhập khẩu LNG ở cảng Brunsbuttel, gần Hamburg.
Chính phủ Đức còn thúc đẩy xây dựng thêm các trang trại điện gió và điện Mặt trời để tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo.
Bộ Kinh tế Đức cho hay từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, chính phủ nước này đã giảm phụ thuộc vào than của Nga từ 50% xuống 25%, dầu mỏ từ 35% xuống 25% và khí đốt từ 55% xuống 40%.
Mục tiêu đặt ra là giúp Đức “hầu như độc lập” với dầu Nga vào tháng 12 năm nay và đoạn tuyệt hoàn toàn với khí đốt Nga vào giữa năm 2024. Tuy nhiên, Birnbaum từ Eon cho rằng Đức sẽ phải mất ba năm để “cai” năng lượng Nga.
Nhưng một số người không đồng tình với ông. Theo một báo cáo của viện nghiên cứu DIW, Đức có thể dễ dàng lấp đầy khoảng trống nguồn cung khí đốt từ Nga bằng cách tăng nhập khẩu từ Na Uy và Hà Lan, khai thác thêm LNG thông qua các bến nhập khẩu ở Rotterdam, Zeebrugge và Dunkirk, đồng thời buộc các ngành công nghiệp trong nước tiết kiệm năng lượng.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới khác… Chúng ta không thể hợp tác với Nga nữa và các ngành công nghiệp Đức phải nhận ra điều đó”, Claudia Kemfert, chuyên gia năng lượng tại DIW, nhấn mạnh.
Theo Rudiger Bachmann, giáo sư kinh tế tại Đại học Notre Dame, hệ quả từ quyết định chấm dứt nhập khẩu năng lượng Nga hoàn toàn “có thể kiểm soát được” đối với nền kinh tế Đức.
“Đây chỉ là một cuộc khủng hoảng tạm thời”, ông nói. “Chúng ta có thể rút ngắn thời gian làm việc và hỗ trợ các công ty bằng ngân sách từ chính phủ. Chúng ta đã làm điều này trước đây với Covid-19. Đức có đủ khả năng tài chính”.
Veronika Grimm, giáo sư kinh tế tại Đại học Erlangen-Nuremberg, chuyên gia tại hội đồng tư vấn kinh tế cho chính phủ Đức, đồng tình với Bachmann, nhấn mạnh các biện pháp tiết kiệm và tăng năng suất có thể giúp giảm 15-20% lượng tiêu thụ khí đốt trong ngắn hạn.
Nhưng các tính toán như vậy đang vấp phải phản ứng dữ dội từ nhiều công ty Đức. Họ lo ngại về những hỗn loạn có thể xảy ra khi nguồn cung khí đốt của Nga bị dừng đột ngột. Rosenthal là một ví dụ. Họ nung sứ trong lò được đốt nóng đến 1.200 độ C và nhiệt độ đó phải được duy trì liên tục.
“Chúng tôi không thể giảm lượng tiêu thụ khí đốt dù chỉ một chút”, Ryder, giám đốc điều hành Rosenthal, cho biết. “Nếu chúng tôi không duy trì nhiệt độ ổn định, sứ sẽ không được nung và sẽ vỡ”.
Ryder đang lên một kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp công ty rơi vào cảnh thiếu hụt nguồn cung khí đốt, nhưng triển vọng rất ảm đạm. “Nếu bị cắt khí đốt, chúng tôi vẫn có thể tiếp tục xử lý lượng hàng trong kho, đóng gói và hoàn thiện sản phẩm, nhưng chỉ trong một thời gian nhất định. Sau đó, chúng tôi phải cho công nhân về nhà”, ông nói.
Vũ Hoàng (Theo Financial Times, Bloomberg)