Nhiều đề xuất thiết lập cơ chế, phát triển mô hình cung cấp năng lượng, được bàn thảo tại phiên họp của Nhóm Công tác kỹ thuật VEPG về hiệu quả năng lượng.
Nhóm Công tác kỹ thuật về hiệu quả năng lượng thuộc Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) vừa có phiên họp đầu tiên về các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Phiên họp được chủ trì bởi đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương và đại diện thường trú, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam – UNDP. Có gần 150 đại biểu là đại diện các bộ ngành, đại sứ quán, các tổ chức phát triển, hiệp hội, doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực này tham gia.
Đề xuất các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam – diễn đàn tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế bước vào giai đoạn mới. Việc tăng cường thực hiện hiệu quả năng lượng được đánh giá là một trong những giải pháp nhằm góp phần thực hiện cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại hội nghị COP26.
Nhóm Công tác kỹ thuật về hiệu quả năng lượng đã thảo luận để xác định những cơ hội và thách thức trong việc thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả ở Việt Nam, từ đó đưa ra kỳ vọng xây dựng khung chính sách, pháp lý, tạo động lực cho sự phát triển. Ban thư ký Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam cũng trình bày thông tin tổng hợp về các dự án hiệu quả năng lượng, tổng kết việc thực hiện các khuyến nghị Nhóm Công tác kỹ thuật đã trình lên chính phủ.
Từ kết quả hoạt động về hiệu quả năng lượng thực tế, các đại biểu đã thống nhất những chủ đề trọng tâm trong giai đoạn mới bao gồm: đánh giá việc thực thi luật tiết kiệm năng lượng để làm cơ sở sửa đổi luật; thúc đẩy vai trò quản lý nhà nước tại địa phương trong việc thực thi luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; việc xây dựng các định mức sử dụng năng lượng trong công nghiệp và xây dựng; thúc đẩy thực hiện hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà và dán nhãn năng lượng.
Phát triển mô hình cung cấp dịch vụ năng lượng
Tình hình thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng VNEEP 3 cũng được cập nhật tại hội nghị. Trong năm 2021, Bộ Công Thương tổng kết các hoạt động đạt được như hỗ trợ cho 11 doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm tại 4 tỉnh xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018, triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho một số địa phương khu vực phía Bắc, xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn hiệu suất năng cho một số sản phẩm…
Kế hoạch thực hiện VNEEP 3 năm 2022 bao gồm tiếp tục triển khai các hoạt động về xây dựng định mức tiêu hao năng lượng cho một số ngành công nghiệp, xây dựng mô hình điểm về tiết kiệm năng lượng, tiếp tục các hoạt động nâng cao năng lực, đào tạo người quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận các vấn đề xoay quanh việc đề xuất thiết lập các cơ chế, chính sách để phát triển mô hình cung cấp dịch vụ năng lượng (ESCO) tại Việt Nam. Đại diện công ty Saigon Innovation Hub (Sihub) đã chia sẻ về những kinh nghiệm thực tế khi triển khai mô hình ESCO, thuận lợi cũng như rào cản về nguồn lực, tài chính và thể chế, chính sách hiện thời.
Các đại biểu còn có cơ hội đi thăm quan thực địa tại nhà máy sản xuất hơi của Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex) tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi triển khai các hoạt động hiệu quả năng lượng tiêu biểu tại Việt Nam. Chuyến thực địa đã giúp đoàn công tác có cái nhìn thực tế về quy trình vận hành của nhà máy, các tiêu chuẩn kỹ thuật, những công nghệ tiết kiệm năng lượng ứng dụng vào dây chuyền sản xuất, cũng như những khó khăn trong quá trình vận hành và bảo dưỡng một nhà máy sử dụng hiệu quả năng lượng điển hình.
Tiếp nối phiên họp của Nhóm Công tác kỹ thuật về Hiệu quả năng lượng sẽ là phiên họp của Nhóm công tác kỹ thuật về Thị trường năng lượng, dự kiến tổ chức vào tuần cuối tháng 5 tại Bình Thuận.
Ngọc An
(Ảnh: GIZ Việt Nam)
Trong năm 2021, Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) đã tái cơ cấu các nhóm Công tác kỹ thuật, xác định các chủ đề trọng tâm phù hợp với nhu cầu cấp thiết của quốc gia cũng như tận dụng các nguồn lực hỗ trợ từ trong và ngoài nước. Hai nhóm Công tác kỹ thuật được giữ nguyên là Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, ba nhóm công tác kỹ thuật mới được thành lập là Quy hoạch chiến lược ngành điện, Tích hợp lưới điện và Hạ tầng lưới điện và Thị trường Năng lượng.
Việc chuyển đổi hình thức tổ chức các phiên thảo luận của các Nhóm Công tác Kỹ thuật VEPG theo mô hình kết hợp giữa đối thoại và khảo sát thực địa tại địa phương sẽ hỗ trợ cho các Nhóm Công tác Kỹ thuật có cái nhìn thực tế và khách quan về tác động, hiệu quả của cơ chế, chính sách đến tình hình thực hiện các dự án năng lượng trong bức tranh tổng thể phát triển ngành và xã hội.
Căn cứ trên nhu cầu thực tế, ban chỉ đạo sẽ xem xét thành lập các nhóm chuyên gia đặc trách phù hợp để thảo luận các lĩnh vực, chủ đề chuyên sâu về các khuyến nghị chính sách, giải pháp kinh tế, kỹ thuật cụ thể nhằm phát huy lợi thế sẵn có của ngành, khắc phục khó khăn. Kết quả làm việc của các Nhóm Công tác Kỹ thuật và Nhóm chuyên gia đặc trách sẽ được đệ trình lên Ban chỉ đạo VEPG trong các phiên họp và Hội nghị cấp cao VEPG lần tiếp theo.