Bộ trưởng Công Thương: Tự chủ nguồn cung năng lượng là thách thức lớn Leave a comment


Nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn và khả năng dự phòng hạn chế là thách thức lớn đảm bảo an ninh năng lượng.

Thực tế này được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu tại cuộc làm việc với đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phát triển năng lượng 2016-2021, ngày 21/7.

Theo Bộ trưởng Công Thương, tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng trưởng bình quân 8,7% một năm trong 5 năm qua. Việt Nam tiêu thụ năng lượng cuối cùng khoảng 7,9% một năm trong 2015-2019, tương đương trên 64,5 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2019. Do ảnh hưởng của Covid-19, tăng trưởng tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng năm 2020 giảm về còn gần 2,3%.

Nhiều thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng được Bộ trưởng Diên chỉ ra, như các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nên nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện, trong khi khả năng dự phòng năng lượng trong nước hạn chế. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch. Việc tự chủ nguồn cung năng lượng trong nước là thách thức lớn, theo Bộ trưởng Công Thương.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc làm việc với đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phát triển năng lượng, ngày 21/7. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc làm việc với đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phát triển năng lượng, ngày 21/7. Ảnh: Hoàng Phong

Thực tế, từ 2015, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng trong bối cảnh các nguồn sơ cấp như than, dầu khí, thủy điện đã khai thác hết hoặc đang dần cạn kiệt.

Dự báo đến 2030, với GDP tăng bình quân 6,5-7,5% một năm, sẽ kéo theo sự tăng trưởng nhanh của ngành năng lượng. Tốc độ tăng trưởng ngành này có thể đạt 140 triệu tấn dần quy đổi, tức gấp đôi so với nhu cầu của năm 2015. Do đó, xu hướng nhập khẩu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn và tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu sẽ khoảng 33-37% vào năm 2025 và lên đến 50-58% vào 2035.

Trước thách thức cung ứng, chuyển đổi năng lượng, Bộ Công Thương kiến nghị sửa đổi một số nội dung của Luật Điện lực, để phù hợp với bối cảnh phát triển mới của ngành điện. Trong đó sẽ xác định tiêu chí lĩnh vực được ưu đãi, luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Đây là tiền đề thúc đẩy phát triển bền vững, thu hút nguồn lực trong và ngoài nước vào ngành điện.

Tại cuộc làm việc, có ý kiến đoàn giám sát cho rằng, với ngành năng lượng mới – năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cần nêu rõ quan điểm về xây dựng Luật Năng lượng tái tạo hay đưa vào điều chỉnh tại dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Đoàn giám sát đề nghị cơ quan này cung cấp danh mục về các dự án trọng điểm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia hiện nay chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắc, có sai phạm, dừng hoạt động.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Công Thương cập nhật việc thực hiện Quy hoạch điện VIII; làm rõ những tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam trong phát triển năng lượng. Báo cáo bổ sung các vấn đề trên được Đoàn giám sát đề nghị Bộ Công Thương nộp trước ngày 25/7/2023.


Anh Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
Tin nhắn
Zalo
Tin nhắn
Điện thoại