Học trò xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã khắc họa sinh động bức tranh quê hương yên bình, môi trường xanh, sạch, đẹp cùng những giá trị lịch sử của quê nhà.
“Như một hòn bi xanh
Trái đất này quay tròn
Đất già cho đời trẻ
Nên đời được yêu luôn
Này em trong mỗi con tim
Nhớ mang quê hương của mình”
Những cô bé lớp 6, lớp 7 trường THCS Trần Quang Khải, xã biên giới An Nông, Tịnh Biên, An Giang có lẽ chưa từng nghe “Như một hòn bi xanh” của Trịnh Công Sơn, song những suy nghĩ của các em về trái đất xanh, về quê hương lại trùng khớp đến lạ. Những đứa trẻ lần đầu tiên được cầm cọ vẽ, được tô màu nước đã tái hiện lại mảnh đất nghèo Tịnh Biên quê mình, bằng những gam màu tươi sáng nhất và óc quan sát chân thực.
Địa hình xã An Nông vừa có núi, vừa có đồng bằng, phía đông giáp xã An Cư, phía tây giáp Campuchia, bắc giáp thị trấn Tịnh Biên, nam giáp xã Lạc Qưới. Người dân nơi đây chủ yếu sống nhờ cây lúa, nước lũ dâng thì thả lưới, làm thuê mướn lấy công. Mùa lúa chín có thể nói là mùa hạnh phúc của người An Nông. Bởi vậy, bức vẽ của các em trường THCS Trần Quang Khải đã bị choáng ngợp bởi gam màu “hạnh phúc” – màu vàng ươm của lúa mới. Len giữa cánh đồng quê bát ngát là con kênh Vĩnh Tế dài 87 km do Thoại Ngọc Hầu xây dựng, chạy song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia, bắt nguồn từ bờ tây sông Châu Đốc – An Giang tới sông Giang Thành – Kiên Giang.
Con kênh dài rộng, không rác thải nông nghiệp, cá tôm đầy bè mỗi mùa nước lên, không chỉ là nơi vui đùa của “những đứa trẻ 5 tuổi đã biết bơi”, mà còn suối nguồn tưới mát tâm hồn bé thơ của các em. Con kênh xanh ấy mềm mại chạy qua dãy Bảy Núi (hay còn gọi là Thất Sơn) của huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, uốn quanh núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn) và núi Két (Anh Vũ Sơn) của Tịnh Biên, trước khi vòng lên núi Tượng (Liên Hoa Sơn) và núi Nước (Thủy Đài Sơn) của Tri Tôn.
Với những nét vẽ lấm lem, học trò An Nông đã khắc họa sinh động bức tranh quê hương yên bình, môi trường xanh, sạch, đẹp, cũng như những giá trị lịch sử của quê nhà, với 7 ngọn núi của dãy Thất Sơn và con kênh Vĩnh Tế án ngữ nơi biên giới quốc gia. Điểm xuyết trên bức tranh là cây cao bóng cả soi bóng xuống hàng kênh, là chim én bay rợp trời, mặt trời rực rỡ và mây xanh nắng đẹp. Bức vẽ khiến người xem thấy trùng lòng hơn, dù bước vội theo nhịp sống công nghiệp cũng phải dừng lại, ngửi mùi lúa mới, ngắm mây trời non núi để nạp thêm năng lượng sống. Nguồn năng lượng ấy, trước hết đến từ mẹ thiên nhiên – suối nguồn của năng lượng xanh.
Nhà nhân loại học Margaret Mead từng nói “Đừng dạy con trẻ phải suy nghĩ những gì, mà dạy cho chúng cách suy nghĩ”. Cách suy nghĩ, tiếp cận với vấn đề môi trường và năng lượng xanh bằng nét vẽ của học trò An Nông còn khiến người lớn chúng ta, những người mải mê với cơm áo gạo tiền, nhưng người cố bắt kịp sự phát triển hiện đại của thế giới, bất giác nhìn lại. Quê hương ta rừng vàng biển bạc, nhưng nay còn được bao nhiêu?
Đường về Tịnh Biên hôm nay thênh thang trải nhựa. Vẫn còn đó những gác chòi tạm bợ chỉ chờ mùa nước lên là vụt tan biến và đâu đó, những chiếc ghe cũ nát chở các em đi học mùa mưa. Nhưng nơi đó có những đứa trẻ yêu con chữ, biết quý trọng môi trường xanh, biết thương cha mẹ nghèo khó mà tiết kiệm điện, đạp xe tới trường cho khỏi tốn xăng và chẳng bao giờ phá rừng.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây hoặc về email media@vnexpress.net.
Cuộc thi “Năng Lượng xanh cho cuộc sống” do Báo điện tử Phụ Kiện Mặt Trời phối hợp với Công ty Schneider Electric tổ chức. Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live and Learn) là đơn vị đồng hành. Cuộc thi dành cho mọi công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, diễn ra từ ngày 13/9 đến ngày 23/10. Cuộc thi nhằm khuyến khích mọi công dân Việt Nam có những suy nghĩ và hành động thiết thực để tiết kiệm năng lượng. Tác phẩm dự thi có thể là những ý tưởng sáng tạo hay giải pháp mang tính thực tiễn liên quan đến điện năng trong sinh hoạt, sản xuất… |
Đồng Thị An