Điện mặt trời mái nhà nếu không “tự sản- tự tiêu”, phải nối lưới sẽ phát sinh chi phí vận hành hệ thống nên không khuyến khích, theo Bộ Công Thương. Leave a comment

Tại dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất nếu loại hình này không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn. Trường hợp nối lưới, người dân được quyền phát hoặc không phát sản lượng dư vào hệ thống nhưng thanh toán 0 đồng. Tổng công suất theo hình thức này không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (2.600 MW).

Các quy định trên được một số chuyên gia đánh giá là chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích người dân đầu tư bởi không được bán hoặc bán giá 0 đồng sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế.

Trong thông tin phát đi chiều 30/4, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) tiếp tục nhấn mạnh quan điểm thận trọng trong phát triển điện mặt trời mái nhà. Theo cơ quan điều tiết, nguồn năng lượng này chỉ nên ở mức sẵn sàng tiêu thụ tại chỗ, không nên khuyến khích, thậm chí hạn chế phát vào hệ thống.

“Nếu ồ ạt phát triển ở quy mô lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến cân bằng hệ thống, gây ra những phí tổn không cần thiết”, cơ quan này cho biết.

Theo số liệu cập nhật, công suất năng lượng mặt trời mái nhà hiện khoảng 7.660 MW, chiếm hơn 9% tổng công suất, sản lượng gần 4% toàn hệ thống điện quốc gia. Về công suất lắp đặt, nguồn điện này có tỷ trọng cao hơn năng lượng tái tạo khác như điện gió, sinh khối, vượt cả thủy điện nhỏ và tua-bin khí – vốn từng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn trước đây.

Theo cơ quan của Bộ Công Thương, năng lượng mặt trời mái nhà có tính không ổn định do phụ thuộc vào bức xạ mặt trời. Khi không có bức xạ (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện. Do đó, để ổn định nguồn, các nguồn lưu trữ phù hợp cần được tính đến. Tức, người dân và cả ngành điện phải trả chi phí cho việc lưu trữ, dự phòng này.

Cụ thể, ở quy mô nhỏ, các tổ chức, cá nhân sẽ phải trang bị các bộ pin lưu trữ. Giá các thiết bị này đang có xu hướng giảm nhưng vẫn cao.

Ở quy mô lớn, phương án dự phòng là các nguồn thủy điện tích năng hoặc nguồn truyền thống (thủy điện, nhiệt than, tuabin khí). Tuy nhiên, tính bất định của điện mặt trời mái nhà khiến các nguồn này phải hoạt động ở trạng thái không liên tục. Điều này vừa làm giảm sản lượng, vừa gây hại cho thiết bị do liên tục phải điều chỉnh lên xuống hoặc phải khởi động, dừng nhiều lần.

Cơ quan quản lý ngành điện cho rằng vào thời điểm bức xạ mặt trời cao, công suất loại hình này có nguy cơ vượt quá khả năng hấp thụ của lưới khu vực. Khi đó, đơn vị điều độ phải lựa chọn: cắt giảm công suất các nhà máy điện truyền thống hoặc các nguồn phát năng lượng tái tạo.

Trong đó, phương án đầu tiên sẽ “rất nguy hiểm” vì nếu giảm nguồn điện truyền thống có thể điều khiển được, hệ thống sẽ không còn nguồn để đáp ứng khi năng lượng tái tạo biến động. Do đó, lựa chọn phổ biến và tất yếu, theo Bộ Công Thương, là “cắt giảm năng lượng tái tạo”. Phương án này theo họ cũng làm tăng chi phí vận hành, lãng phí nguồn lực xã hội.

Cùng đó, cơ quan này đánh giá nguồn mặt trời mái nhà có tính phân tán, quy mô nhỏ và rất nhỏ, rất khó để thu thập dữ liệu, điều khiển khi vận hành hệ thống. Để có thể cân bằng, đơn vị điều độ phải thu thập dữ liệu công suất từ tất cả nguồn điện. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được với các nguồn quy mô đủ lớn, như tại các khu công nghiệp, công xưởng lớn.

Với hệ thống quy mô nhỏ cấp hộ gia đình, việc thu thập dữ liệu chính xác không thực hiện được. Cơ quan điều độ sẽ chỉ dự báo lượng công suất này dẫn đến khó khăn trong vận hành hệ thống. Chưa kể, việc thu thập dữ liệu, dự báo cần hệ thống linh hoạt và tốn thêm chi phí vận hành.

Lý do cuối cùng được nhà chức trách nêu là sự phát triển của điện mặt trời mái nhà mang đến “nỗi lo lớn về chi phí chung của hệ thống” cho cơ quan điều độ và chủ đầu tư các nhà máy điện truyền thống.

Chi phí này đến từ nhu cầu sẵn sàng của các nguồn điện truyền thống để đáp ứng tính bất định của các năng lượng tái tạo. Đơn vị điều độ sẽ phải duy trì một lượng nguồn điện truyền thống vận hành ở trạng thái chờ hoặc công suất thấp liên tục. Do đó, họ vẫn phải trả chi phí cho các nguồn điện duy trì ở trạng thái này thay vì điện năng phát ra.

Cùng đó, các công ty điện lực vẫn phải đầu tư lưới để cấp điện cho khách hàng vào ban đêm hoặc khi trời xầm xì nhưng không bán được điện vào ban ngày. “Sản lượng bán của công ty điện lực giảm đi nhưng đầu tư không đổi, suất đầu tư lưới sẽ tăng thêm”, Bộ Công Thương cho biết, thêm rằng chi phí này sẽ tính cho toàn bộ khách hàng, gồm cả người không lắp đặt điện tái tạo.

Chưa kể, nếu theo quan điểm “chi phí do nguyên nhân nào phải tính cho nguyên nhân đó”, Bộ Công Thương cho rằng chủ đầu tư các nguồn điện mặt trời mái nhà thực chất phải trả chi phí cho hệ thống để duy trì hoạt động bình thường khi vẫn được cấp điện ổn định. Như vậy, nhìn chung, nguồn năng lượng tái tạo biến động càng nhiều, quy mô chi phí càng lớn.

Từ năm 2017, để khuyến khích năng lượng tái tạo, Chính phủ có cơ chế mua lại điện mặt trời mái nhà do người dân đầu tư với mức giá ưu đãi (giá FIT) 9,35 cent một kWh, sau đó giảm xuống 7,09 cent một kWh với các dự án chuyển tiếp. Chính sách này thúc đẩy người dân ồ ạt bỏ chi phí đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà để sử dụng và bán phần công suất dư thừa cho EVN. Số liệu từ EVN cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020 – thời điểm chính sách giá FIT hết hiệu lực, trên cả nước có khoảng 101.029 công trình loại này được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới 9.296 MW.

Phương Dung



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
Tin nhắn
Zalo
Tin nhắn
Điện thoại