Hai vợ chồng bà Shi vốn có cuộc sống khá ổn định nhờ trồng ngô và kê trong trang trại nhỏ. Nhưng từ năm 2021, họ quyết định đầu tư thêm vào điện mặt trời. Cả hai ký hợp đồng lắp 40 tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà để cấp điện cho lưới điện.
Thông qua một ứng dụng trên điện thoại, bà Shi có thể nhìn thấy lượng điện tạo ra và mình được trả bao nhiêu tiền mỗi watt. Tính trung bình, gia đình bà kiếm được khoảng 10.000 USD mỗi năm. “Mặt trời xuất hiện là anh sẽ kiếm được tiền”, bà nói.
Gia đình Shi là một ví dụ cho thấy cơn sốt điện mặt trời tại Trung Quốc. Quốc gia này từ lâu đã thống trị toàn cầu về sản xuất pin mặt trời, nhưng việc lắp đặt trên mái nhà vẫn chưa phổ biến. Việc này đã thay đổi trong vài năm qua, khi chính phủ Trung Quốc tập trung giảm khí thải nhà kính, đồng thời phát triển kinh tế xanh.
Nước này đặt mục tiêu 20% điện sản xuất năm 2025 là từ năng lượng tái tạo. Họ cũng hỗ trợ hào phóng cho các chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Vì thế, cả việc sản xuất và lắp đặt pin năng lượng mặt trời đều tăng vọt.
Hầu hết công suất điện mặt trời áp mái ở Trung Quốc được tạo ra trong 2 năm qua. Việc tự sản xuất điện trở nên hấp dẫn hơn nhờ khi Bắc Kinh hỗ trợ các chính quyền địa phương lắp đặt điện mặt trời và tăng giá mua điện.
Dù vậy, việc này khiến lưới điện nhiều khi quá tải. Gia đình bà Shi may mắn vì tham gia sớm. Một số thành phố tại Sơn Đông hiện đã dừng cho lắp điện mặt trời mái nhà.
Các nhà phân tích và công ty năng lượng mặt trời đều cho rằng triển vọng của Trung Quốc vẫn rất sáng sủa, nếu xử lý được tình trạng dư cung. “Trung Quốc có tiềm năng và cơ hội để ngành điện đạt đỉnh về phát thải năm 2025. Tôi hy vọng Sơn Đông sẽ trở thành cái tên đi đầu về năng lượng tái tạo tại Trung Quốc”, Grace Gao – nhà hoạt động về môi trường và năng lượng tại Tổ chức Hòa bình Xanh ở Trung Quốc cho biết trên AP.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, hoạt động lắp pin năng lượng mặt trời ở đây đang tăng vọt. Năm 2023, công suất pin mặt trời lắp đặt mới của Trung Quốc vào khoảng 216 gigawatt. Con số này tương đương hơn 50% cả thế giới năm ngoái, theo hãng nghiên cứu Wood Mackenzie.
Gao cho biết chỉ cần 1 gigawatt điện mặt trời là đủ cung cấp cho 320.000 hộ gia đình Trung Quốc trong một năm. Năm ngoái, Sơn Đông lắp đặt thêm 14 gigawatt pin năng lượng mặt trời. Tỉnh này có khả năng sản xuất ra lượng điện nhiều hơn nhu cầu tiêu thụ tại một số thời điểm ban ngày.
Năm 2014, Trung Quốc công bố trợ cấp cho cả điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời công nghiệp. Sơn Đông – tỉnh vốn có ngành sản xuất phát triển – trở thành ứng viên hàng đầu.
Họ hiện là tỉnh đi đầu tại Trung Quốc về năng lượng tái tạo. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa họ đối mặt với bài toán về tăng trưởng quá nhanh. “Các tỉnh khác cũng sẽ gặp rắc rối này, nếu điện mặt trời được tạo ra nhiều hơn”, Peng Peng – Tổng thư ký Liên minh Cấp vốn và Đầu tư Năng lượng mới Trung Quốc cho biết.
Wang Xingyong có công ty chuyên lắp đặt pin năng lượng mặt trời cho khách hàng, từ dân làng đến các nhà máy. Anh cho biết doanh số đã tăng gấp đôi mỗi năm kể từ 2016.
“Ban đầu, chúng tôi chỉ lắp cho một khách hàng, là nông dân, với giá 10.000 -50.000 nhân dân tệ. Sau đó, chúng tôi kiếm được các dự án trị giá hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu nhân dân tệ”, anh nói.
Dân làng cũng không bỏ qua cơ hội kinh doanh. Họ mua pin mặt trời lắp trên mái nhà, và được trả tiền khi bán điện cho lưới điện.
Wang cho biết ban đầu, ý tưởng này khó được chấp nhận. Ít người tin vào việc chính phủ sẽ trả tiền cho họ để sản xuất điện. Nhưng dần dần, Wang thuyết phục được gia đình và bạn bè tham gia. Dân làng cũng làm theo khi thấy kết quả.
Dù vậy, họ không mấy quan tâm đến mục tiêu giảm phát thải của chính phủ. Những người như bà Shi chỉ thấy lợi nhuận từ việc này “còn cao hơn gửi tiết kiệm ở ngân hàng”.
Các gia đình cũng có thể kiếm tiền nếu cho thuê mái nhà để lắp pin mặt trời, với giá khoảng 3.000 nhân dân tệ (414 USD) mỗi tháng, Liu Wenping – một nhà đầu tư vào các công ty năng lượng mặt trời cho biết. Họ cũng có thể được tặng điều hòa, tủ lạnh và nhận một phần nhỏ hoa hồng từ số điện được bán ra.
Các hãng pin, hãng xe điện và công ty điện tại Trung Quốc đang chạy đua tạo ra các pin tiên tiến hơn để tích trữ năng lượng mặt trời. Chính quyền Sơn Đông đang chạy thử nghiệm loại pin lithium sắt phosphate để trữ năng lượng giờ cao điểm, sau đó cấp cho lưới điện của tỉnh.
Một vấn đề khác cần giải quyết là đưa ra cách định giá điện trên thị trường giao ngay. Hiện tại, Trung Quốc vẫn dùng giá điện do chính phủ ấn định, được tính toán dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu. Giới phân tích cho rằng nếu không linh hoạt về giá, Trung Quốc sẽ khó thuyết phục khách hàng chuyển sang dùng điện giờ thấp điểm.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang có kế hoạch cải thiện lưới điện. Hồi tháng 2, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) – chịu trách nhiệm giám sát và thực thi các chính sách kinh tế kêu gọi các tỉnh tập trung tăng tính linh hoạt của lưới điện. Họ muốn trang bị thêm cho các nhà máy điện than, để linh hoạt nguồn cấp nhanh chóng.
“Tất cả quốc gia trên thế giới sử dụng năng lượng tái tạo đều gặp các vấn đề như thế này. Họ đang tìm các giải pháp thông minh, hoặc thử tích hợp AI để có lưới điện hiệu quả và năng suất nhất. Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với tình huống đó”, David Fishman – Giám đốc cấp cao tại hãng tư vấn Lantau Group nhận định.
Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy cơn sốt điện mặt trời tại Trung Quốc sẽ dừng lại. Các doanh nghiệp đang đổ xô đến những tỉnh phía Nam, không cách Sơn Đông là bao.
Còn tại Sơn Đông, Wang rất lạc quan về triển vọng nghề nghiệp. Dù các dự án mới với dân làng đang chững lại, Wang vẫn còn các khách hàng doanh nghiệp. Khi ngành xe điện tại Trung Quốc đang bùng nổ, Trung Quốc sẽ cần xây dựng các trạm sạc có kết hợp pin năng lượng mặt trời.
“Tôi tin tưởng tương lai sẽ ngày càng tươi sáng hơn”, anh nói.
Hà Thu (theo AP)