Giáo sư quốc tế bàn về giải pháp năng lượng sạch tại Việt Nam Leave a comment


Các nhà khoa học là chủ nhân giải Nobel, người nghiên cứu hàng đầu về năng lượng trên thế giới cho rằng, tìm kiếm năng lượng sạch đang được nhiều quốc gia theo đuổi.

Là diễn giả tham gia tọa đàm về “Năng lượng của tương lai” tổ chức tại Hà Nội sáng 19/1, GS Gérard Albert Mourou, chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018 cho rằng, các quốc gia đang tìm mọi phương án để tìm nguồn năng lượng sạch là hướng đi đúng.

GS Mourou từng thành công tạo khi ra những xung laser cường độ cao cực ngắn mà không phá hủy vật liệu khuếch đại. Ông bày tỏ sự quan tâm đặc biệt về phát triển thorium trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

GS Gérard Albert Mourou phát biểu tại tọa đàm sáng 19/1. Ảnh: Thạch Thảo

GS Gérard Albert Mourou phát biểu tại tọa đàm sáng 19/1. Ảnh: Thạch Thảo

GS Mourou cho biết, trong phát triển năng lượng hạt nhân, kim loại phóng xạ thorium (một kim loại phóng xạ nhẹ-xuất hiện trong đất và đá) dồi dào hơn nhiều so với uranium. Đây sẽ là một công nghệ hữu ích có thể thay thế nguồn dự trữ uranium đang bắt đầu suy giảm.

Ông đánh giá, nguồn năng lượng từ thorium có thể đáp ứng nhu cầu cho khoảng 10 tỷ người dân trong khoảng 10.000 đến 20.000 năm sắp tới. Theo ông, việc hướng tới khai thác thorium hoàn toàn có thể trở thành “cơ cấu nguồn cung năng lượng cho các quốc gia”.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đồng tình, năng lượng sạch là xu hướng của tương lai, cần phát triển công nghệ để khai thác, trong đó có điện gió, điện mặt trời.

GS Richard Henry Friend, ĐH Cambridge(Anh) cho rằng, sự phát triển của khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm nguồn năng lượng mới có giá rẻ hơn. Ông cho biết, khoảng 10 năm trước, chi phí năng lượng có giá rẻ nhất là điện than, điện hạt nhân và năng lượng gió. Nhưng ở hiện tại, điện mặt trời đã giảm chi phí nhanh chóng. Theo đó, việc chuyển hướng sang năng lượng sạch là điều dễ nhận thấy.

GS Richard Henry Friend phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hải Nam

GS Richard Henry Friend phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hải Nam

Dẫn thông tin về những quốc gia đang chuyển hướng sang năng lượng sạch, GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California Santa Barbara, nhắc tới Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Anh, Áo, Phần Lan hay New Zealand. Bà cho rằng có nhiều phương án khác nhau ở mỗi quốc gia, tùy thuộc vào vị trí địa lý, dân số và nguồn lực con người để chọn phát triển năng lượng gió, điện gió, điện mặt trời hay lưới điện thông minh (tối ưu việc truyền dẫn và phân phối điện năng).

“Tôi nghĩ chìa khóa để các quốc gia mạnh về phát triển năng lượng sạch dựa vào cơ cấu nguồn đa dạng, chi phí sản xuất, quá trình rõ ràng, đầu tư thuận lợi, hợp tác công tư và lối sống hành vi của chính người dân”, GS Quyên nói.

GS Antonio Facchetti, Đại học Northwestern đồng thời là Giám đốc Công nghệ tại Flexterra, quan tâm điện mặt trời vì chi phí giảm nhanh so với điện gió và điện hạt nhân.

Ông cho biết, tùy theo quy mô có thể giúp điều chỉnh chi phí, đồng thời lĩnh vực điện mặt trời có nhiều tiềm năng nhờ nghiên cứu vật liệu bán dẫn. “Vật liệu sillicon thậm chí có thể kết hợp với vật liệu khác để nâng cao hiệu quả của điện mặt trời, qua đó giúp giảm chi phí”, GS Facchetti nói.

GS Antonio Facchetti. Ảnh: Hải Nam

GS Antonio Facchetti. Ảnh: Hải Nam

Chú ý các quốc gia “nghèo năng lượng”

Tại phiên thảo luận, các nhà khoa học đề cập tới các quốc gia đang phát triển không thuận lợi về mặt địa hình và chi phí, dẫn tới năng lượng khó đến được các hộ gia đình. GS Friend dẫn một số quốc gia khu vực châu Phi, có nguồn năng lượng mặt trời đa dạng, song có vùng dân cư phân bố thưa thớt khiến việc truyền tải năng lượng khó khăn.

Bà Thục Quyên cho rằng, cần đặc biệt chú ý tới quốc gia nghèo về năng lượng. Mỗi quốc gia có thể dựa vào lợi thế địa hình để chọn hướng đi phù hợp. “Không thể dùng motip chung để áp dụng với các quốc gia”, bà nói và cho rằng Việt Nam có đường bờ biển dài, miền Trung nhiều nắng có lợi thế về điện gió, điện mặt trời.

PGS.TS Phạm Hoàng Lương, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, rất mong muốn ứng dụng công nghệ, vật liệu mới để giải quyết vấn đề tại Việt Nam. Hiện lưới điện quốc gia của Việt Nam còn dựa nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, than, khí. “Để chuyển dịch hiệu quả hơn, chúng tôi đang nỗ lực tăng tỷ trọng năng lượng mặt trời trong lưới điện”, ông Lương nói. Để làm được phải thay đổi cơ chế vận hành của toàn bộ lưới điện. Tuy nhiên, không dễ để chuyển từ điện truyền thống sang năng lượng tái tạo bởi cần có những công nghệ hỗ trợ.

“Lĩnh vực điện mặt trời, điện gió cũng là tham vọng lớn, tạo ra chuỗi cung ứng và công ăn việc làm”, ông Lương nói.

GS Friend khá ngạc nhiên về sử dụng điện trên mái trên tại Việt Nam bởi nó khác so với đất nước của ông. Song giáo sư lạc quan rằng việc phát triển năng lượng tái tạo phát tại chỗ sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người.

Ông đánh giá, dù còn nhiều bất đồng trong chính giới khoa học về việc tạo năng lượng, điện hóa toàn cầu hay sự khác biệt về sử dụng loại năng lượng pin, năng lượng hạt nhân… việc hướng tới giảm phát thải carbon vẫn là mục tiêu chung để các quốc gia đồng nhất hướng tới.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hải Nam

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hải Nam

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá, ba chủ đề được lựa chọn tại sự kiện gồm: năng lượng, trí tuệ nhân tạo và chăm sóc sức khỏe – rất thú vị vì đều là những vấn đề Việt Nam đang gặp phải lúc này.

“VinFuture sẽ tạo đà khuyến khích lớn cho các nhà khoa học Việt, trong đó có các nhà khoa học trẻ”, ông nói và tin tưởng sự kiện sẽ kết nối cộng đồng các nhà khoa học trong nước và thế giới. Ông kỳ vọng những ý tưởng, giải pháp sẽ được đưa ra giúp giải quyết vấn đề của Việt Nam cũng như toàn cầu trước đại dịch và biến đổi khí hậu.

Tuần lễ trao giải VinFuture có 4 hoạt động chính: Ngày 18/1 là chương trình giao lưu cùng Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo. Ngày 19/1 là tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” gồm 3 phiên thảo luận với các chủ đề: Tương lai của năng lượng, tương lai của trí tuệ nhân tạo và tương lai của sức khỏe toàn cầu. Sự kiện có sự có sự tham gia của nhiều GS hàng đầu từng đoạt giải Nobel, Millennium Technology.

Ngày 20/1 là lễ trao giải thưởng VinFuture tại Nhà hát lớn Hà Nội lúc 20h (Truyền hình trực tiếp trên VTV1, Fanpage VinFuture Prize). Ngày 21/1 giao lưu cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture.VnExpress sẽ tường thuật trực tuyến sự kiện này.

Như Quỳnh


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
Tin nhắn
Zalo
Tin nhắn
Điện thoại