Để củng cố khả năng độc lập năng lượng và tận dụng thời cơ xuất khẩu, Romania đang tăng tốc các dự án điện hạt nhân và khoan dầu.
Dọc theo kênh Danube – Biển Đen ở Cernavoda, cách Bucharest khoảng hai giờ lái xe về phía đông – hai lò phản ứng hạt nhân cung cấp điện của Romania đang hoạt động. Hai công trình khác đã khởi công từ nhiều thập kỷ trước và có lẽ không lâu nữa sẽ hoàn thành. “Chúng tôi có những kế hoạch lớn”, Valentin Nae, Giám đốc khu phức hợp này cho biết.
Khu phức hợp hạt nhân được hình thành dưới chế độ Nicolae Ceausescu trong một phần tư thế kỷ trước. Thời ấy, chiến lược của ông Ceausescu là tách Romania khỏi ảnh hưởng của Liên Xô bằng cách xây dựng hệ thống cấp điện riêng.
Hơn 30 năm qua, khi phần lớn châu Âu tìm cách cắt đứt quan hệ với năng lượng của Nga, Romania giờ hưởng lợi từ tầm nhìn của ông. Hai lò phản ứng cung cấp khoảng 20% điện năng cho nước này.
Khủng hoảng Ukraine đã củng cố nỗ lực độc lập năng lượng của Romania. Các kế hoạch đầy tham vọng bao gồm việc hoàn thành hai nhà máy ở Cernavoda, mở đường cho một loại công nghệ hạt nhân mới được gọi là lò phản ứng mô-đun nhỏ. Nước này cũng muốn tận dụng tối đa các mỏ khí đốt ngoài khơi ở vùng nước sâu của Biển Đen.
Một số người còn cho rằng Romania có tiềm năng trở thành cường quốc năng lượng khu vực, giúp các nước láng giềng ở Đông và Nam Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào Moskva. Chủ sở hữu của tổ hợp hạt nhân Cernavoda, một công ty do nhà nước kiểm soát có tên Nuclearelectrica, có kế hoạch chi tới 9 tỷ euro (9,5 tỷ USD) cho các sáng kiến hạt nhân trong thập kỷ này.
“Đối với Romania, những dự án này cực kỳ quan trọng”, Cosmin Ghita, Giám đốc điều hành Nuclearelectrica, nói. Ông Ghita cho biết năng lượng hạt nhân có thể giúp Romania đạt được nhiều mục tiêu khác nhau, từ giảm lượng khí thải carbon đến chống lại Nga về các vấn đề năng lượng.
Cùng với đó, cuộc chiến ở Ukraine đã tạo ra động lực để phá vỡ nhiều năm bế tắc và đẩy mạnh hoạt động khai thác khí đốt ở Biển Đen mà Romania có thể xuất khẩu. “Chúng tôi sẽ cung cấp an ninh năng lượng cho khu vực lân cận”, Virgil-Daniel Popescu, Bộ trưởng năng lượng Romania, cho biết.
Ngành công nghiệp dầu khí Romania thuộc hàng lâu đời nhất thế giới, có từ những năm 1860. Trong khi các mỏ dầu nổi tiếng đang suy yếu, các công ty cho biết việc khai thác ở Biển Đen có thể tạo ra đủ khí tự nhiên để biến Romania, hiện là một nhà nhập khẩu, trở thành nhà sản xuất lớn nhất trong Liên minh châu Âu.
“Cơ hội đang nằm ở ngoài khơi”, Christina Verchere, Giám đốc điều hành OMV Petrom, công ty dầu khí lớn nhất Romania nói.
Romania cũng có các con đập tạo ra gần 30% lượng điện của đất nước. Và ngành công nghiệp hạt nhân, sử dụng khoảng 11.000 người, được đánh giá ở tầm quốc tế. “Họ là một nhà vận hành tuyệt vời, biết mình đang làm gì”, Carl Marcotte, Phó chủ tịch SNC-Lavalin – công ty Canada sở hữu công nghệ lò phản ứng Cernavoda và tham gia vào việc nâng cấp tại khu phức hợp – cho biết.
Tiềm năng này cũng đã thu hút sự quan tâm của Mỹ. Năm 2020, với sự khuyến khích từ chính quyền Trump, Romania đã ngừng đàm phán với Trung Quốc để hoàn thành các lò phản ứng tại Cernavoda và chuyển sang Washington làm nguồn hỗ trợ hạt nhân chính.
Trong khi các kế hoạch cho Cernavoda đang được tiến hành, chính phủ Romania và chính quyền Biden vào tháng 5 công bố thỏa thuận sơ bộ xây dựng một lò phản ứng mô-đun nhỏ tại địa điểm của một nhà máy nhiệt điện than đã đóng cửa.
Nhà cung cấp sẽ là một công ty ở Oregon – NuScale Power – đã nhận được hơn 450 triệu USD hỗ trợ từ Washington để phát triển công nghệ hạt nhân mới giúp hồi sinh việc xây dựng lò phản ứng ở Romania.
Ý tưởng là xây dựng các bộ phận nhà máy trong xưởng và sau đó lắp ráp chúng tại địa điểm. Mục tiêu nhằm cắt giảm chi phí và thời gian xây dựng kéo dài. Theo thời gian, những lò phản ứng này có thể cung cấp điện cho các nước châu Âu, thay thế than và khí đốt từ Nga.
“Châu Âu phải tìm được những nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy, những nguồn không bị ép buộc và ảnh hưởng chính trị ác ý”, David Muniz, Đại diện Đại sứ quán Mỹ ở Bucharest, cho biết tại buổi công bố thỏa thuận NuScale.
Các chuyên gia cho rằng, đối với một quốc gia có lực lượng lao động được đào tạo bài bản, chi phí thấp như Romania, việc chế tạo thiết bị cho loại lò phản ứng mới này có thể trở thành một ngành xuất khẩu, chưa kể cơ hội xuất khẩu điện dư thừa.
“Tôi tin rằng đó là một cơ hội lớn”, Ted Jones, Giám đốc cấp cao phụ trách các chương trình chiến lược và quốc tế tại Viện Năng lượng Hạt nhân trụ sở tại Washington, chia sẻ.
Tuy nhiên, làm việc tại Romania có lẽ sẽ là một thách thức đối với các công ty từ Mỹ và các nước phương Tây khác. Chính phủ nước này nổi tiếng trong việc chào đón các nhà đầu tư bên ngoài bằng các loại thuế rườm rà và các quy định khó khăn.
Nguyên nhân bởi Romania là một quốc gia tương đối nghèo, thu nhập trung bình xếp gần cuối trong EU. Quan niệm người dân và quốc gia sẽ an toàn hơn nếu nhà nước kiểm soát thị trường, khá phổ biến. “Có một sự ngờ vực đã ăn sâu về thị trường tư nhân”, Radu Dudau, Giám đốc Nhóm Chính sách Năng lượng, một tổ chức phi lợi nhuận ở Bucharest, cho biết.
Những nguyên tắc như vậy dường như đã được thực hiện vào năm 2018, khi chính phủ tăng thuế và áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với xăng dầu. Exxon đã phản ứng bằng cách rao bán 50% cổ phần của mình trong Neptun Deep, một dự án ở Biển Đen đã được báo trước có khả năng là mỏ sản xuất khí đốt tự nhiên mới lớn nhất ở Liên minh châu Âu.
Thông báo ngắn gọn của Exxon cho biết công ty muốn tập trung vào các dự án có “chi phí cung ứng thấp”. Chế độ thuế của Romania được coi là khó khăn nhất của châu Âu. Vào ngày 3/5, Exxon cho biết sẽ bán cổ phần cho Romgaz, một công ty do nhà nước kiểm soát, với giá khoảng một tỷ USD.
Nếu việc phát triển dự án được tiến hành vào năm 2018, Romania có lẽ sẽ tăng gần gấp đôi sản lượng khí đốt hiện tại. Bộ trưởng Năng lượng Popescu cho biết các nhà làm luật năm 2018 đã đánh giá sai, cho rằng dù sao thì Exxon cũng sẽ tiến hành dự án.
Gần đây, với vấn đề an ninh năng lượng ngày càng quan trọng trong chương trình nghị sự, các nhà lập pháp đã thông qua luật để sửa chữa những thiệt hại và giảm bớt một số quy định. “Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt và cuộc chiến ở Ukraine đã thuyết phục các nhà lập pháp rằng họ phải bắt đầu khai thác Biển Đen”, ông nói.
Sắp tới, một mỏ khí đốt nhỏ hơn ở Biển Đen dự kiến hoạt động. Thuộc sở hữu của một nhóm bao gồm một công ty con của Carlyle (Mỹ), dự án sẽ sản xuất khoảng 10% nhu cầu khí đốt của Romania.
Việc lắp đặt giàn khoan ở mỏ Neptun ước tốn khoảng 4 tỷ USD, tức tốn kém hơn so với việc nếu nó được tiến hành vài năm trước. Với giá dầu và khí đốt cao, chi phí khoan, thép và các nguyên liệu đầu vào khác đã tăng vọt.
Biển Đen hiện là một khu vực đầy rủi ro với các nguy cơ từ hoạt động quân sự của Nga nên chi phí bảo hiểm cũng tăng. Exxon có chuyên môn cao hơn nhiều về hoạt động ở vùng nước sâu so với Romgaz hay OMV Petrom, những công ty đã tiếp quản Exxon với tư cách là người điều hành dự án.
Các nhà phân tích cho biết bất chấp những vấn đề đó, những lo ngại về an ninh năng lượng vẫn còn mạnh mẽ đến mức dự án có vẻ sẽ được tiếp tục, ngay cả khi Exxon đã ra đi. Nó thậm chí có thể giúp ích cho hai công ty Romania đang phụ trách.
“Tôi nghĩ nó chắc chắn có bối cảnh phù hợp để triển khai vào lúc này”, bà Verchere, Giám đốc điều hành OMV Petrom nói.
Phiên An (theo NYT)