Làm nhiệt điện than không rẻ Leave a comment

Nhiệt điện than được cho là biện pháp khả dĩ đến 2030 để đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ cho quá trình tăng trưởng nhưng theo nhiều chuyên gia nếu dựa vào lý do giá thành rẻ thì ngày càng thiếu thuyết phục.

Không có giá mua điện than thống nhất từ các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam vì nó tùy thuộc vào loại hình đầu tư và thỏa thuận trực tiếp của chủ đầu tư với EVN. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt bằng chung thì giá mua điện than đang khá rẻ. Ví dụ, nhà máy nhiệt điện than ở Mạo Khê, Quảng Ninh có giá bán điện ra thị trường chỉ từ 5,5 đến 6,2 cent/kWh. Các nhà máy nhiệt điện than trong tương lai ở Đồng bằng sông Cửu Long có giá bán điện cao hơn, do phụ thuộc nguồn than nhập khẩu, nhưng cũng sẽ chỉ khoảng 8,3 cent/kWh .

Hiện, chi phí quy dẫn đối với nhiệt điện than ở Việt Nam khá tương đồng với Trung Quốc, gần 40 đôla cho mỗi MWh. Trong khi đó, mức chi phí này tại Mỹ dao động từ 77 đến 78 đôla, tại Anh 119-172 đôla, hay tại Australia là 93-126 đôla, theo số liệu của Bloomberg New Energy Finance.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ, sở dĩ giá bán điện than ở Việt Nam rẻ là do nhiều yếu tố bao cấp. Giá than không theo giá thị trường mà chịu sự kiểm soát của nhà nước. Việc tính giá sản xuất từ nhiệt điện than cũng bỏ qua chi phí môi trường, sức khỏe người dân và tác động tiêu cực gián tiếp lên xã hội. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trợ giá cho các nhiên liệu hóa thạch đã chiếm 2,93 tỷ đôla năm 20912, tương đương 2,8% GDP Việt Nam.

Làm nhiệt điện than không rẻ

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến 2030, tổng công suất điện than sẽ đạt khoảng 55.300 MW, sản xuất 304 tỷ kWh, chiếm hơn một nửa sản lượng điện toàn quốc và tiêu thụ 129 triệu tấn than mỗi năm. Đến thời điểm đó, Việt Nam sẽ nhập khoảng 85 triệu tấn than mỗi năm cho sản xuất điện.

“Thực tế, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một hợp đồng dài hạn nào để nhập khẩu than cho tương lai vì vẫn chưa xác định nguồn nhập khẩu than từ nước nào, sẽ thỏa thuận nhập khẩu với giá bao nhiêu, tất cả đều là ẩn số và chứa đựng nhiều bất trắc”,  TS Tuấn nhận định.

Hiện Việt Nam đã có 12 nhà máy nhiệt điện than. Trong những năm tới, sẽ có 50 nhà máy được xây dựng, tập trung chủ yếu ở trung tâm hoặc sát khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. “Chúng tôi đã xem rất nhiều bản báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng thấy các bản báo cáo cứ tương tự nhau. Tôi thấy dường như các báo cáo này thực hiện để cho qua thủ tục chứ chưa thực sự chú ý đến tác động về môi trường của dự án”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Khoa Môi trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM cho biết.

Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc cần tính đúng, tính đủ cho giá điện than chứ không thể tuyên bố nhiệt điện than là rẻ khi các chi phí về môi trường, sức khỏe chưa được các chủ đầu tư thật sự quan tâm. Ngay cả các dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá điện than bán ra chắc chắn sẽ hơn 10 cent/kWh  nếu áp dụng thuế carbon từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch (5-10 đôla một tấn). Đó là chưa kể chi phí đầu tư cho các hạn mục cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu than như cảng biển, đường giao thông… hiện cũng không được tính.

lam-nhiet-dien-than-khong-re

Nhiều chuyên gia khuyến cáo cần tính đủ các chi phí môi trường khi lập dự án nhiệt điện than. Ảnh: EVN

“Maldives đã từng sai lầm trong vấn đề môi trường và sau đó họ phải tiêu tốn 10 triệu đôla cho mỗi km bờ biển để thay thế rạn san hô bị phá hủy. Chúng ta cần phát triển nhưng chúng ta cần tính đủ cái giá mà chúng ta phải trả khi tác động đến môi trường. Chúng ta phải có cân nhắc kỹ cho sự phát triển bền vững”, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn – Viện trưởng Viện Hải dương học, người trực tiếp tham gia dự án di dời rạn san hô trong vùng ảnh hưởng của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) ra Khu bảo tồn biển Hòn Cau, trăn trở.

“Thành công nổi bật của Việt Nam trong việc tăng trưởng đồng đều và giảm đói nghèo trong 2 thập kỷ qua đã bị ảnh hưởng phần nào bởi việc sử dụng quá nhiều năng lượng, mà phần lớn là đến từ các nguồn không tái tạo. Với nhu cầu năng lượng dự tính tăng 10% một năm trong vòng 15 năm tới, việc thảo luận về các lựa chọn sản xuất điện là hết sức cần thiết, và mọi người cần phải cân nhắc các chi phí môi trường cả ở địa phương và cả trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu”, ông Richard Bale – Tổng lãnh sự Canada tại TP HCM khuyến nghị.

Viễn Thông


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
Tin nhắn
Zalo
Tin nhắn
Điện thoại